Phần lớn người dân ở đây sống bằng nghề đánh bắt hải sản và làm nông nghiệp với nghề chính là trồng tỏi và hành. Hiện nay Dự án khu bảo tồn biển Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi - Một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam đã được tỉnh Quảng Ngãi thông qua và đang xúc tiến các bước để triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên nghề đánh bắt gần bờ của bà con sẽ không được duy trì để đảm bảo duy trì nguồn lợi thủy sản. Ngư dân sẽ phải chuyển đổi cơ cấu ngành nghề. 

Tại huyện đảo Lý Sơn, khi nguồn lợi đánh bắt thủy hải sản ngày càng suy giảm, người dân tại đây đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, Lý Sơn có diện tích nuôi trồng thủy sản là 50ha mặt nước, khuyến khích người dân nuôi thủy sản có giá trị cao như cá bớp, cá mú, tôm hùm. Nuôi trồng thủy sản tại đây sẽ cung ứng cho dịch vụ du lịch.

Đảo Lý Sơn có nét hoang sơ hùng vĩ, giữ được cảnh sắc thiên nhiên độc đáo, địa chất độc đáo hình thành do sự phun trào của núi lửa từ hàng triệu năm trước. Vì vậy, người dân có nhiều cơ hội việc làm ngoài phát triển nuôi trồng thủy sản còn du lịch.

ly son.png
Ngư dân tại Lý Sơn phát triển du lịch biển bền vững. Ảnh: Phương Thanh. 

Du lịch trên đảo Lý Sơn cũng có nhiều lợi thế, đây được coi là thiên đường du lịch. Ở đây du khách khám phá với biển đảo, với địa chất núi lửa triệu năm hùng vĩ. Du khách thăm kho tàng lịch sử biển đảo được lưu trữ tại đây. 

Nhiều năm qua, huyện đảo Lý Sơn đã có nhiều giải pháp phát triển về du lịch biển bền vững tăng sức hút với du khách và kêu gọi các nhà đầu tư. Huyện tổ chức nhiều sự kiện văn hóa thể thao du lịch. Dự kiến năm 2024 sẽ tổ chức lễ hội Khinh khí cầu, thả diều nghệ thuật. UBND huyện tuyên truyền vận động người dân tăng cường trồng thêm cây xanh xây dựng môi trường trong lành và con người Lý Sơn thân thiện. 

Ngoài ra, huyện tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc biệt là du lịch trải nghiệm thiên nhiên, trải nghiệm biển. Huyện tập trung tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Lý Sơn thông qua các sự kiện văn hóa thể thao mang tầm quốc gia và quốc tế. 

Hiện, Lý Sơn đã đầu tư bến cảng, xây dựng hạ tầng dịch vụ du lịch trên đảo. Để du khách tới Lý Sơn được trải nghiệm du lịch xanh, sạch đẹp. Hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức các buổi tập huấn truyền thông về rác thải nhựa nằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ biển. Nhiều tour du lịch xanh như nhặt rác thải nhựa, làm sạch bờ biển, hướng tới du lịch bền vững, góp phần xử lý số lượng lớn rác thải nhựa trôi nổi, nằm dưới đáy biển.

Tại đảo Bé, được coi là đảo ngọc của Lý Sơn, du lịch đã mang lại kinh tế cho hàng trăm hộ gia đình tại đây. Anh Nguyễn Sơn – người dân sống trên đảo cho biết, khi nguồn lợi thủy sản bị suy giảm,việc khai thác bấp bệnh. Anh đã chủ động lên bờ, chuyển nghề. Khi du lịch trên đảo phát triển, anh Sơn đã chuyển sang làm hướng dẫn du lịch bản địa. Anh đưa khách đi tới các điểm tham quan trên đảo, bơi thuyền thúng, lặn ngắm san hô, câu cá và trải nghiệm đánh cá, kéo lưới cùng với ngư dân. Từ đó, đời sống gia đình cũng tốt lên. 

Theo định hướng của UBND huyện Lý Sơn, từ nay tới năm 2025, huyện sẽ đưa ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân cư. Huyện cũng đầu tư các khu du lịch homestay trải nghiệm trồng, thu hoạch tỏi cùng người dân. Khách du lịch có thể tham gia sinh hoạt, trải nghiệm, tìm hiểu đời sống người dân. Huyện đưa ra kế hoạch phát triển du lịch sinh thái gắn với biển đảo, tham quan các cảnh quan tự nhiên, cắm trại. 

Tỉnh Quảng Ngãi đặt ra mục tiêu đến năm 2030, đảo Lý Sơn sẽ đón 1,6 triệu du khách và hướng tới là trung tâm du lịch của quốc gia. 

Huyện đảo Lý Sơn cách bờ khoảng 30km, diện tích gần 10km2, dân số hơn 23.000 người, gồm 3 hòn đảo: Đảo Lớn, Đảo Bé và hòn Mù Cu. Trên đảo hiện còn lưu giữ được nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân cư như: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa; lễ hội đua thuyền; lễ hội đình làng An Hải.

Phương Thanh