“Kể từ khi chúng tôi phát hiện vụ việc ở Bucha và các thị trấn khác, cuộc chiến (ở Ukraine) đã chuyển sang một hướng khác. Vì vậy, tôi đã không nói chuyện trực tiếp với ông ấy (Tổng thống Vladimir Putin) kể từ đó”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với kênh truyền hình France 5 hôm 18/4.
“Tuy nhiên, tôi vẫn không loại trừ khả năng làm vậy (nối lại đối thoại với Tổng thống Putin) trong tương lai", ông Macron nói thêm.
Trước đó, giới chức Ukraine tuyên bố đã tìm thấy hàng trăm thi thể ở thị trấn Bucha, sau khi quân Nga rút đi hôm 30/3. Kiev cáo buộc các lực lượng Nga sát hại dân thường và yêu cầu mở cuộc điều tra quốc tế.
Phía Moscow phủ nhận cáo buộc, cho rằng các hình ảnh và đoạn phim quay tại Bucha là "hành động khiêu khích" nhằm phá vỡ các cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên. Tổng thống Putin cho rằng, các cáo buộc liên quan tới vụ việc tại Bucha "được dàn dựng" nhằm tạo cớ cho loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga.
Khi được hỏi tại sao ông không đến thủ đô Kiev của Ukraine như các lãnh đạo châu Âu khác, Tổng thống Macron nói rằng việc làm điều này chỉ nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine là không cần thiết.
"Tôi sẽ trở lại Kiev, nhưng là để mang theo thứ gì đó hữu ích... Vì rõ ràng tôi không cần phải đến đó chỉ để thể hiện sự ủng hộ", người đứng đầu nước Pháp giải thích, và nói thêm rằng ông đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khoảng 40 lần kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự.
“Nếu tôi đến Kiev, điều này phải nhằm mục đích tạo ra một sự khác biệt nào đó”, ông Macron nói thêm.
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Macron đã nỗ lực duy trì hoạt động ngoại giao đến phút chót, trong đó có việc trực tiếp hội đàm với Tổng thống Putin tại Điện Kremlin, nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột leo thang.
Ông Macron đã gần như không dành thời gian vận động cho cuộc bầu cử tổng thống Pháp trong tháng này để tập trung giải quyết vấn đề Ukraine, nhằm thể hiện hình ảnh một chính khách toàn cầu.
Việt Anh