Hezbollah được đánh giá là nhóm vũ trang đáng gờm nhất thế giới. Năng lực quân sự của Hezbollah còn vượt trội hơn quân đội của nhiều quốc gia Trung Đông bao gồm Lebanon. Được biết, kho vũ khí khổng lồ của Hezbollah có các tên lửa dẫn đường đủ sức tấn công bất kỳ thành phố nào của Israel. Tuy nhiên, cho tới nay, phản ứng của Hezbollah với Israel vẫn bị xem là chưa cân xứng với năng lực của nhóm.
Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah đã nhiều lần cảnh báo rằng, bất kỳ cuộc không kích nào của Israel nhằm vào các thành trì của nhóm ở phía nam Beirut, Tel Aviv cũng sẽ phải đối mặt với đòn tấn công từ loạt tên lửa.
Trong 2 tháng qua, Israel đã 2 lần tấn công thủ đô Beirut của Lebanon, tiêu diệt một số chỉ huy chiến trường giàu kinh nghiệm nhất của Hezbollah. Vào tuần trước, hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên Hezbollah đã phát nổ, làm hơn 3.000 người bị thương. Israel cũng bị tình nghi là thủ phạm.
Đáp trả, vào cuối tuần qua, Hezbollah đã bắn loạt tên lửa xuyên biên giới vào Israel với quy mô dữ dội nhất, kể từ khi nhóm bắt đầu bắn phá miền bắc Israel nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết với nhóm vũ trang Hamas vào tháng 10/2023.
Sau loạt tấn công, phó thủ lĩnh Hezbollah Naim Qassem tuyên bố nhóm đã bước vào một giai đoạn mới mang tên “trận chiến tính sổ không hồi kết" với Israel.
Trên thực tế, Hezbollah đã cố tình không nhắm vào các trung tâm dân cư của Israel, cũng như không triển khai những vũ khí hiện đại nhất. Thay vào đó, Hezbollah chỉ đưa ra lời đe dọa, nhưng lại mơ hồ về phương thức trả đũa vào một thời điểm không xác định trong tương lai. Nói cách khác, thông báo của ông Qassem không được cho là tuyên bố chiến tranh toàn diện giữa Hezbollah và Israel. Vậy nguyên nhân gì khiến Hezbollah phải dè chừng hành động?
Theo Telegraph, câu trả lời rõ ràng nhất là Iran đang kiềm chế Hezbollah. Nhóm vũ trang này đang là lực lượng ủy nhiệm mạnh nhất của Tehran ở Trung Đông. Các tên lửa dẫn đường chính xác như Fateh 110 có tầm bắn 300km, và máy bay không người lái (UAV) tấn công của Hezbollah đều được cho là đến từ Iran.
Tuy nhiên, Iran coi Hezbollah là chính sách bảo hiểm phòng trường hợp Israel tấn công chương trình hạt nhân của Tehran. Nếu Hezbollah bắn càng nhiều tên lửa, khả năng răn đe của Iran càng bị xói mòn.
Một nguyên nhân khác là ban lãnh đạo của Hezbollah không muốn xung đột đi quá xa. Ông Kassem Kassir, nhà bình luận người Lebanon có mối quan hệ chặt chẽ với Hezbollah, cho biết nguyên nhân đầu tiên là tác động từ dư luận Lebanon. Nguyên nhân khác là Hezbollah lo sợ bị sập bẫy do Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu giăng ra.
"Có hai điều cần cân nhắc. Điều đầu tiên là nội bộ. Hezbollah biết rằng Lebanon đang bị chia rẽ, và do đó họ không muốn đưa đất nước này vào một cuộc chiến mà một số người không muốn. Lý do khác là Hezbollah biết Thủ tướng Netanyahu đang muốn kéo họ vào cuộc chiến toàn diện với hy vọng Mỹ sẽ vào cuộc”, ông Kassir chia sẻ với Telegraph.
“Hezbollah biết rằng nếu họ sa vào cuộc chiến, bất kỳ cuộc chiến nào cũng sẽ không chỉ là giao tranh với Israel, mà còn với cả những người ủng hộ phương Tây của Israel”, ông nói thêm.
Hezbollah hiện được trang bị tốt hơn nhiều so với năm 2006, thời điểm nhóm vũ trang chống lại Israel trong cuộc chiến đẫm máu kéo dài 34 ngày ở miền nam Lebanon. Trong sự kiện này, Hezbollah chỉ có 15.000 tên lửa mà hầu hết là loại không dẫn đường, và chỉ bắn 4.000 tên lửa.
Còn hiện tại dù kho vũ khí của Hezbollah đã lớn hơn gấp 10 lần và mạnh hơn nhiều, ông Kassir cho rằng Hezbollah thà giao tranh với Israel trong cuộc xung đột cấp thấp kéo dài, còn hơn sử dụng toàn bộ hỏa lực cho cuộc đối đầu duy nhất mà họ có thể không giành được chiến thắng.
“Chiến lược mà Hezbollah muốn là làm suy yếu Israel thông qua một cuộc đối đầu kéo dài, tiêu hao nhiều sức mạnh”, ông Kassir kết luận.