Từ thời tổng thống Ronald Reagan cho đến nay, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) chưa từng được phê chuẩn do gặp phải sự phản đối của các nghị sĩ phe Bảo thủ tại Thượng viên Hoa Kỳ.

Ngày 9/5, theo AFP đưa tin, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã kêu gọi các nghị sỹ phê chuẩn Công ước này, cho rằng đây chính là sự tháo gỡ nút thắt cho các vấn đề tranh luận với Trung Quốc tại Biển Đông. Ngày 23-4 vừa qua, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã tổ chức phiên điều trần về việc gia nhập Công ước Luật biển với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta.

Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) có hiệu lực năm 1994, quy định các vấn đề về giao thông đường biển, vùng đặc quyền kinh tế, quyền tài phán thềm lục địa, chính sách khai thác; hiện nay đã có 157 quốc gia và Cộng đồng Châu Âu (EC) tham gia Công ước này. Trong bài diển văn quan trọng tại Diễn đàn Luật Công ước Biển ở Washington ngày 9/5, Bộ trưởng Quốc phòng Leon E. Panetta đã nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ là nước duy nhất trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vẫn chưa phê chuẩn Hiệp ước trong khi Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức, Nga, Ấn Độ và 161 nước khác đã tham gia hiệp ước này.

Năng lượng hay năng lực chính trị?

Lí do các nghị sĩ phe bảo thủ tại Thương viện Mỹ đưa ra để phản đối việc phê chuẩn Công ước Luật biển là do lo ngại Công ước này có thể làm suy yếu khả năng của Mỹ trong các tranh chấp tài nguyên khí đốt và dầu mỏ ở thềm lục địa. Trong khi đó, những nghị sĩ ủng hộ việc này đều đưa ra rất nhiều lí do liên quan đến kinh tế, an ninh và ảnh hưởng của Mỹ nếu tham gia Công ước này. Trong bài phát biểu tại diễn đàn Luật về Công ước Biển, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta đã liệt kê năm lý do tại sao Công ước Luật biển tăng cường an ninh quốc gia của Mỹ.

Thứ nhất, "Đầu tiên, là sức mạnh hàng hải ưu việt của thế giới, và đất nước với một trong những bờ biển và thềm lục địa mở rộng lớn nhất, chúng ta có nhiều hơn để trở nên tốt hơn từ việc gia nhập Công ước hơn bất kỳ quốc gia nào khác", ông nói. Công ước "sẽ cung cấp cho chúng ta sự tín nhiệm để hỗ trợ và thúc đẩy việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trong một trật tự dựa trên luật lệ".

Bộ trưởng Quốc phòng Panetta, Ngoại trưởng Hillary và Chủ tich Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey tại buổi điều trần hôm 23/5 (Ảnh: Reuters)

Thứ hai, ông Panetta cho rằng "Điều luật của Hiệp ước vẫn là cơ sở pháp lý vững chắc nhất khi làm cơ sở cho sự hiện diện toàn cầu của chúng ta, trên mặt biển, ở trên, và dưới biển", tức là bằng cách tham gia công ước, Hoa Kỳ sẽ bảo vệ quyền tự do hàng hải và tiếp cận toàn cầu cho tàu quân sự và thương mại, máy bay, và các sợi cáp quang ngầm dưới biển.

Thứ ba, ông nói rằng văn kiện phê chuẩn sẽ giúp tăng nguồn tài nguyên thiên nhiên và quyền tài phán kinh tế của Mỹ, không chỉ với 200 dặm hải lý bên ngoài bờ biển nước Mỹ, mà còn là một thềm lục địa mở rộng vượt ra ngoài khu vực đó.

Thứ tư, việc gia nhập sẽ "bảo đảm khả năng của chúng ta gặt hái những lợi ích của việc mở cửa ở Bắc Cực- một khu vực an ninh hàng hải và lợi ích kinh tế ngày càng quan trọng", ông Panetta nói. Các quốc gia đã bố trí các tuyến đường vận chuyển mới và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khi các lớp băng Bắc Cực tan dần. Luật của Công ước biển là phương tiện duy nhất đối với việc công nhận của quốc tế và việc chấp nhận tuyên bố thềm lục địa mở rộng của Mỹ ở Bắc Cực.

Thứ năm, "trở thành một thành viên của Công ước sẽ tăng cường vị thế của chúng ta trong khu vực quan trọng này ". Bộ trưởng cho biết chiến lược quốc phòng mới của Mỹ nhấn mạnh vòng cung chiến lược quan trọng kéo dài từ Tây Thái Bình Dương và Đông Á đến khu vực Ấn Độ Dương và Nam Á.

Xét cho cùng, đây chính là vấn đề về khía cạnh pháp lí và luật pháp quốc tế. Hoa Kỳ cần có một công cụ sắc bén là luật pháp quốc tế để có thể cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại biển Đông. Việc chưa phê chuẩn Công ước có ý nghĩa pháp lý quan trọng này khiến cho Hoa Kỳ ở "thế bí" trong các cuộc tranh luận với Trung Quốc về mặt lý lẽ, đặc biệt khi Trung Quốc mang tham vọng "bá quyền", luôn coi Biển Đông là "ao nhà" và coi Mỹ chỉ là "người ngoài" tại khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Panetta tuyên bố trong Hội Nghị về Luật Biển: "Đã tới lúc Hoa Kỳ cần có chỗ ngồi tại bàn hội nghị, khẳng định vai trò của một cường quốc hàng đầu và tham gia hiệp ước quan trọng này", "Nó là một nền tảng pháp lý cơ sở để duy trì trật tự trên các lĩnh vực hàng hải".

Những lí do mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta đưa ra dường như đã giải quyết những tồn đọng từ lí do mà UNCLOS bị phản đối trong Quốc hội Mỹ. Song hơn một thập kỷ qua, những lập luận này không phải không được nhắc tới. Các nghị sĩ phe bảo thủ vẫn lo ngại việc tham gia Công ước Luật biển có thể xâm phạm tới Hiến pháp Hoa Kỳ. Những hành động hung hăng của Trung Quốc trong những năm gần đây tại Biển Đông khiến cho sự cần thiết có cơ chế quốc tế quan trọng như UNCLOS trở nên cấp bách hơn.

Liệu UNCLOS có phải là chiếc chìa khóa tháo gỡ ngòi nổ cho vấn đề biển Đông?

Trên báo Le Monde, các chuyên gia Pháp cho rằng Trung Quốc "đang tìm cách chiếm lấy các vùng biển" mà Trung Quốc cho là của mình bằng các tàu bán quân sự và tàu cá. Bắc Kinh đã không hề có dấu hiệu thỏa hiệp trong cuộc tranh chấp kéo dài cả tháng trời với Philippines tại bãi cạn Scarborough từ ngày 8/4. Thượng nghị sĩ McCain đang kêu gọi thượng viện nhanh chóng phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) nhằm tạo cơ sở cho sự hiện diện và can dự trực tiếp của Mỹ tại Biển Đông.

Mỹ cho rằng "UNCLOS nói rõ rằng tuyên bố về quyền tài phán của một quốc gia đối với tài nguyên phải dựa trên yếu tố địa lý của đường bờ biển. Việc Trung Quốc tuyên bố quyền tài phán trong đường chữ U, hay đường 9 khúc, mà không đề cập dù là gián tiếp đến các đặc điểm địa lý từ bờ biển hay đường cơ sở là một vi phạm căn bản luật quốc tế." Với chiến lược chuyển trọng tâm về châu Á mà Tổng thống Barack Obama đưa ra gần đây, Washington cho rằng UNCLOS trở thành công cụ hòa bình lợi hại nhất cho Mỹ tại thời điểm hiện tại.

Vấn đề về lãnh hải luôn là mảnh đất cho những tranh chấp về chủ quyền và đặc quyền giữa các quốc gia, khiến cho tình hình luôn ở trong trạng thái căng thẳng tiềm ẩn. Riêng với Mỹ, UNCLOS có lẽ đã thực sự cần thiết cho các tính toán và lợi ích chiến lược của Mỹ tại các vùng biển. Đó không phải là chìa khóa để tháo gỡ vấn đề phức tạp lâu dài, mà là chìa khóa để Mỹ có thể tiếp cận những mục tiêu an ninh và tăng cường ảnh hưởng trong bối cảnh hiện nay.

Lá phiếu gian nan cho UNCLOS

Từ khi UNCLOS ra đời và có hiệu lực, mặc dù được sự ủng hộ của các đời tổng thống Mỹ của cả hai đảng, Thượng viện Mỹ vẫn chưa thông qua Công ước này. Đến nay, một số Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa tiếp tục phản đối Công ước. Trước đó, hai chục Thượng nghị sĩ Mỹ đã ký một bức thư do Thượng nghị sĩ Jim DeMint soạn thảo, trong đó thề sẽ chống lại Công ước nếu nó được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện. Các Thượng nghị sỹ cho biết, họ đặc biệt lo ngại chủ quyền của Mỹ có thể bị giao cho một cơ quan quyền lực đại diện nhiều nước khác nhau.

Trong phiên điều trần ngày 23/5, Ngoại trưởng Clinton đã đưa ra lập luận rằng tham gia vào UNCLOS sẽ bảo đảm cho Mỹ có thể bảo vệ được những lợi ích của mình và có quyền đối với nguồn dầu khí và các tài nguyên tự nhiên khác trong khu vực thềm lục địa. Bà Clinton cũng khẳng định, việc gia nhập UNCLOS sẽ không ảnh hưởng đến chủ quyền của Mỹ, đồng thời bác bỏ lập luận của những người chống UNCLOS, cho rằng sự chống đối này dựa trên "hệ tư tưởng và sự hoang đường". Đồng tình với ý kiến của bà Clinton, các lãnh đạo quân sự của Mỹ nhiệt tình ủng hộ việc gia nhập UNCLOS.

Tuy nhiên, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa vẫn hoài nghi và kiên quyết phản đối việc gia nhập Công ước UNCLOS do lo ngại về một số hệ quả, như việc Mỹ phải tham gia vào một ủy ban có hơn 160 thành viên mà Mỹ sẽ không có quyền phủ quyết nào. Thượng nghị sĩ Robert Corker thuộc đảng Cộng hòa cho biết không đưa ra quyết định nào về việc phê chuẩn công ước. Trong khi đó, các thành viên khác của đảng Cộng hòa băn khoăn, việc gia nhập công ước sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền của Mỹ. Steven Groves, một học giả thuộc Quỹ Heritage khẳng định: "Sự phản đối gia nhập công ước không hề giảm đi mà nó đang gia tăng".

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Thượng nghị sỹ John Kerry, cho biết ông sẽ không đưa việc phê chuẩn UNCLOS ra bỏ phiếu tại Thượng viện trước cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 tới đây, do nhiều nghị sỹ e ngại phải bỏ phiếu cho một vấn đề nhạy cảm trong lúc đang vận động tranh cử.

Thượng viện Mỹ chưa bao giờ đạt được 2/3 số phiếu để thông qua việc tham gia UNCLOS. Để Thượng viện Hoa Kỳ thông qua hiệp ước này, cần phải có 67 phiếu thuận. Hiện giờ, có 53 Thượng Nghị Sĩ Dân chủ, 47 Thượng Nghị Sĩ Cộng hòa với đa số Thượng nghị sĩ Dân chủ sẽ bỏ phiếu thuận. Với sự vận động mạnh mẽ và sự ủng hộ của nhiều nghị sĩ, hi vọng UNCLOS sẽ có được những lá phiếu giá trị mang tính quyết định.

Hồng Mai