Phủ Thiên Trường xưa, Nam Định ngày nay là quê hương, nơi phát tích của vương triều Trần, một triều đại nổi tiếng về “võ công, văn trị”, thịnh trị vào bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Lịch sử của triều đại 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông, đưa Đại Việt thành một quốc gia cường thịnh, là đỉnh cao của lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam được viết nên từ mảnh đất Thiên Trường - Nam Định.

Phủ Thiên Trường ra đời từ mùa xuân năm Nhâm Tuất - 1262, khi Thái thượng hoàng Trần Thái Tông cùng quan gia ngự đến hành cung Tức Mặc (là quê cha, đất tổ - thuộc thành phố Nam Định ngày nay) đã cho mở tiệc lớn chiêu đãi dân chúng và xuống chiếu đổi hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường.

Nam Định ngày nay.

Trong suốt lịch sử 175 năm tồn tại của vương triều Trần, mảnh đất Thiên Trường trở thành kinh đô thứ hai của nước Đại Việt sau kinh thành Thăng Long. Vùng đất đó nằm trên địa bàn tỉnh Nam Định ngày nay. 

Trải qua 760 năm kể từ khi địa danh Thiên Trường xuất hiện, Thiên Trường - Nam Định đã hòa quyện rực rỡ trong dòng chảy vẻ vang của lịch sử dân tộc. Thời đại nào Nam Định cũng được xác định có vị trí chiến lược quan trọng và luôn có những đóng góp xứng đáng, khẳng định vị thế “địa linh, nhân kiệt”. 

Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, truyền thống anh hùng, quả cảm, quyết tâm bảo vệ đất nước độc lập, vẹn toàn của người dân nơi đây lại được phát huy.

Theo đó, hàng vạn lượt thanh niên đã lên đường vào các chiến trường. Tại hậu phương, các phong trào thi đua vừa sản xuất, vừa chiến đấu để chi viện của cải, vật chất cho chiến trường góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Nam Định cùng nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất; 122 tập thể và cá nhân (trong đó cả 10/10 huyện, thành phố) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, toàn tỉnh có 1.240 bà mẹ được phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng.

Cùng đất nước trải qua những giai đoạn khó khăn, Đảng bộ và nhân dân Nam Định đã tiến hành công cuộc đổi mới và  đạt được những thành tựu có ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. 

Năm 2021, Nam Định là đơn vị hành chính Việt Nam đứng thứ 13 về số dân, xếp thứ 35 về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 31 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 11 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1.836.268 người dân, GRDP đạt 84.097 tỷ đồng (tương ứng với 3,66 tỷ USD), GRDP bình quân đầu người đạt 45,8 triệu đồng (tương ứng với 1.982 USD), tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,7%.

Đặc biệt, vốn đầu tư phát triển các dự án tăng nhanh, đã xây dựng và đưa vào sử dụng một số công trình lớn, trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đáng kể bộ mặt đô thị và nông thôn.

Khát vọng vươn lên

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu rõ mục tiêu “Tiếp tục khơi dậy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để xây dựng tỉnh Nam Định phát triển nhanh và bền vững. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế; chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, có nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Tăng cường khai thác tiềm năng thế mạnh vùng kinh tế biển để trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh. Xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước”.

Kế thừa và phát huy truyền thống của cha ông, thế hệ người Nam Định xưa, hôm nay Nam Định đã không ngừng phấn đấu, vươn lên. 

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định duy trì mức tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, một số chỉ tiêu có mức tăng trưởng khá. Các nội dung chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai kịp thời theo chỉ đạo của Chính phủ. 

Công tác cải cách hành chính, thu hút đầu tư, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt và đã đạt được kết quả tích cực. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được cải thiện tích cực trên bảng xếp hạng quốc gia... Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được củng cố và giữ vững.

Bên cạnh đó, lính vực đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng, nhiều công trình dự án hạ tầng trọng điểm được đầu tư quyết liệt nhằm khắc phục các hạn chế về địa kinh tế, tăng cường kết nối, khơi thông các điểm nghẽn, rào cản, mở thêm cơ hội để biến lợi thế thành “lợi ích kinh tế” tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội. Đó là tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý; Quốc lộ 21 đoạn Nam Định - Thịnh Long; đường vành đai nối Quốc lộ 21, Quốc lộ 10 và cầu Nam Định; Quốc lộ 37B; Quốc lộ 38B; tuyến đường bộ mới nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 21 và cầu Tân Phong vượt sông Đào; tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình…

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. 

Với vị thế mới, tầm cao mới, tỉnh tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Quốc Chỉnh từng cho hay, bước sang giai đoạn mới, để góp phần xây dựng tỉnh Nam Định đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước, cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh tiếp tục đổi mới tư duy, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng ổn định, bền vững, khai thác có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển. 

Thực hiện quyết liệt 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của huyện. Chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững…

Tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XIX nhiệm kỳ 2021 - 2026, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc đã chỉ rõ các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh cần tập trung thực hiện thời gian tới như: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Đồng thời phải nỗ lực ở mức cao nhất để hình thành một cách rõ nét các nền tảng tiền đề cho sự phát triển đột phá về kinh tế... Hoàn thành hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các dự án, công trình trọng điểm: Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Tỉnh lộ 485B, 488B, 488C; Khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; cải tạo, nâng cấp một số đoạn đê xung yếu trên tuyến đê sông tỉnh Nam Định... Triển khai thi công giai đoạn II Dự án Xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. 

Hoàn thành thủ tục đầu tư để khởi công các dự án: Xây dựng cầu qua sông Đào; Đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; Sớm giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh của dự án đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. 

Phối hợp với nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục sớm khởi công xây dựng Nhà máy Thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng. 

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước về tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh. Ưu tiên thu hút các dự án có vốn lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản phẩm có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần tăng trưởng nhanh tốc độ, quy mô nền kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm mới và tăng thu ngân sách cho tỉnh.

Thúy Lê