Bắc Giang có nền văn hóa phong phú, đa dạng với sự giao thoa giữa hai miền văn hóa Việt cổ và văn hóa Tày Nùng... Trên vùng đất này có 2.237 di tích lịch sử, văn hóa trải khắp địa bàn tỉnh trong đó 711 di tích được xếp hạng, 3 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt gắn liền với truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Đặc biệt, Bắc Giang còn là nơi gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập với hệ thống các di tích còn lưu giữ đến ngày nay như chùa Vĩnh Nghiêm, am Vãi, một số di tích đang được khảo cổ và định hướng phục dựng thời gian tới như chùa hòn Tháp, Mã Yên, Bát Nhã, Hồ Bấc, Thanh Mai...

Tính chất đan xen hội tụ văn hóa thuần Việt. Biểu hiện đan xen hội tụ này không hòa tan mà cùng tồn tại hòa nhập, tạo nên sự phong phú đa dạng của văn hóa bản địa.

Kiến trúc truyền thống của Bắc Giang

TS. KTS Phan Đăng Sơn nhìn nhận, Bắc Giang có nét văn hóa đặc sắc với sự giao thoa giữa 2 miền văn hóa Việt Kinh và văn hóa dân tộc thiểu số, tạo nên tính đoàn kết, tính cộng đồng và tính thích nghi cao. Bề dày văn hóa đầy đặn như vậy đã và đang làm nền tảng cho sự phát triển năng động và vững chắc của Bắc Giang. Văn hóa kiến trúc cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó.

Song, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng, việc đi tìm những điểm nhấn của kiến trúc hiện đại của Bắc Giang thời điểm hiện tại, khi sự phát triển đổi mới chưa dài là hơi sớm và không dễ dàng.

Cách nay ít lâu, trong một bài viết sâu sắc, bàn về văn hoá kiến trúc của Bắc Giang, ông Sơn đã chia sẻ một số hình ảnh kiến trúc truyền thống của Bắc Giang như sau:

Điểm đầu tiên, KTS Phan Đăng Sơn đề cập đến là hình ảnh kiến trúc Khu danh thắng Tây Yên Tử (nằm trên các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động). Tại đây, nhiều di tích lịch sử văn hóa đang được bảo tồn mang bản sắc hồn Việt rõ nét cùng sự phát triển của Phật giáo thiền tông thuần Việt. "Khu du lịch sinh thái tâm linh Tây Yên Tử đang được xây dựng dường như cũng nối nhịp được điểm nhấn kiến trúc thể hiện sự phát triển của Phật giáo thiền tông thuần Việt", ông Sơn nhận định.

Tiếp đó, ông Phan Đăng Sơn chia sẻ về Chùa Bổ Đà- ngôi cổ tự đã ngàn năm tuổi có lối kiến trúc “nội thông, ngoại bế” tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng, khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc. Kiến trúc tổng quan chùa như một phần làng quê Việt quần tụ với các hạng mục đồng nhất, gắn kết liên hoàn bổ sung cho nhau. Khu vườn Chùa rất rộng hài hòa chung với thôn xóm xung quanh, khu vườn tháp riêng biệt và rất quang đãng.

W-chuaboda-1.png
Chùa Bổ Đà đã ngàn năm tuổi có kiến trúc “nội thông, ngoại bế”

Đình Phù Lão tọa lạc tại xã Phù Mỹ, huyên Lạng Giang. Đây cũng là ngôi đình có giá trị kiến trúc cao. Giá trị điêu khắc nghệ thuật được thể hiện với những hình ảnh chạm khắc theo lối chạm lộng thủng sâu bên trong để làm hình nổi lên theo lối như tượng tròn tại các kết cấu kiến trúc như tán cột, kè, bẩy, cốn, diệp… rất sinh động và tài hoa. Các chi tiết chạm khắc này mang đậm tính nghệ thuật tạo hình dân gian thể hiện sinh hoạt đủ mọi tầng lớp trong xã hội.

Cũng theo KTS Phan Đăng Sơn, làng gốm và quan họ cổ Thổ Hà trầm tĩnh sau những dòng xe cộ phố xá nhộn nhịp thuộc địa phận xã Vân Hà, huyện Việt Yên là một ngôi làng có kiến trúc truyền cảm, với kiến trúc thuần Việt mang đậm dấu ấn đồng bằng Bắc Bộ. Ở đó, ngõ xóm hun hút cổ kính, cảnh trên bến dưới thuyền hòa quyện bên dòng sông Cầu, hay cổng làng mòn phai rõ nét thời gian… Thổ Hà còn nổi tiếng với những kiến trúc cổ làm bằng gạch nung và sành đắp nổi không tráng men, ngôi chùa cổ kính và ngôi đình bề thế – một biểu hiện phương cách đời sống thực luôn gắn liền với tinh thần tâm linh của người Việt.

Ngọc Dũng và nhóm PV, BTV