Các bác sĩ thông tin không ít trường hợp bệnh nhân ung thư khi phát hiện, bệnh đã ở giai đoạn muộn, gây tốn kém, khó khăn trong điều trị.
Điển hình là trường hợp bà H.T.H (72 tuổi, ở Quảng Ninh) phát hiện sút cân, nuốt nghẹn vào đợt đỉnh dịch cuối năm 2021. Chủ quan nghĩ bệnh nhẹ và lo sợ dịch bệnh nên bà H. không đi khám.
Cuối tháng 3/2022, tình trạng nuốt nghẹn tăng dần, bệnh nhân chỉ ăn được cháo, kèm theo sút 8kg. Bà H. đến Bệnh viện Bạch Mai khám và phát hiện khối u 1/3 dưới thực quản đã chiếm gần hết lòng chu vi thực quản, kèm theo có tổn thương di căn hạch cổ trái.
Tương tự chị N.T.H. (46 tuổi, Hà Nội) cũng có cảm giác đau ngực phải khoảng 1 năm nay nhưng không đi khám. Khi tự sờ thấy khối ở vùng cổ phải, khối u cứng và tăng dần kích thước, thỉnh thoảng đau, chị đã đến Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ chẩn đoán, chị mắc ung thư phổi phải di căn phổi, di căn hạch, di căn tuyến thượng thận.
Chị Đ.T.Q (30 tuổi, ở TP Hạ Long, Quảng Ninh) cũng là một trường hợp như vậy. Chị vào viện với lý do đau bụng, kèm đi ngoài phân dính máu. Nữ bệnh nhân được nội soi sinh thiết và bất ngờ khi nhận kết quả ung thư trực tràng. Tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), chị Q. được điều trị xạ trị, hóa chất và phẫu thuật nội soi thay hậu môn nhân tạo. Chị chia sẻ: “Nếu thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ, tầm soát đại trực tràng sớm hơn sẽ không phải thay hậu môn nhân tạo như bây giờ”.
Nhiều chuyên gia nhận định khám sàng lọc vô cùng quan trọng trong dự phòng ung thư. Chia sẻ với VietNamNet, Th.BS Thân Văn Thịnh - Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội cho biết, ngoài lưu ý chế độ ăn uống, luyện tập thể dục thể thao, người dân cần tiêm vắc xin phòng một số bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư gan (vắc xin ngừa HPV, viêm gan B).
“Đặc biệt, điều quan trọng là người dân nên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát các loại ung thư để phát hiện và điều trị bệnh sớm”, bác sĩ thông tin.
Tương tự BS Nguyễn Duy Khoa – Đơn nguyên Nội Theo yêu cầu III, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, thông tin, tầm soát ung thư là một trong ba bước của dự phòng ung thư. Trong đó:
Dự phòng bước 1: Phòng ngừa ban đầu nhằm cố gắng loại trừ hoặc giảm tối đa sự tiếp xúc với các chất gây ung thư để hạn chế xảy ra sự khởi phát bệnh ung thư.
Dự phòng bước 2: Tầm soát và phát hiện sớm ung thư khi chưa có biểu hiện của bệnh, thậm chí những dấu hiệu của một tình trạng tiền ung thư.
Dự phòng bước 3: Tìm biện pháp điều trị có kết quả nhằm mục đích tốt nhất đó là kéo dài số năm sống thêm của bệnh nhân.
“Tại Việt Nam, hầu hết mọi người chỉ quan tâm tới dự phòng bước 3, tức là khi có bệnh mới tìm kiếm các phương pháp điều trị bệnh. Lúc này hầu như bệnh không còn ở giai đoạn sớm và kết quả điều trị sẽ hạn chế. Dự phòng bước 1 và 2 mới là hai bước quan trọng trong dự phòng ung thư. Nhiều bệnh ung thư khi được phát hiện sớm có cơ hội chữa khỏi hoàn toàn và kéo dài sự sống”, BS Nguyễn Duy Khoa chia sẻ.
Khi nào cần tầm soát ung thư?
BS Duy Khoa cũng cho biết khuyến cáo của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ về sàng lọc phát hiện sớm ung thư:
Ung thư vú:
Phụ nữ từ 40 đến 54 tuổi nên bắt đầu sàng lọc ung thư vú hàng năm bằng chụp xquang tuyến vú. Phụ nữ từ 55 tuổi nên chụp xquang tuyến vú hai năm/lần hoặc tiếp tục duy trì một năm/lần.
Với phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư vú nên được tầm soát thêm bằng chụp MRI tuyến vú hàng năm bắt đầu từ tuổi 30 như: có đột biến BRCA; bố, mẹ, anh chị em ruột hoặc con của người mang đột biến BRCA, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú 20% đến 25%, có tiền sử xạ trị vào vùng ngực từ 10 đến 30 tuổi, hội chứng Li‐Fraumeni, hội chứng Cowden- Bannayan Riley-Ruvalcaba.
Ung thư đại tràng, trực tràng và polyp:
Người lớn từ 45 tuổi trở lên có nguy cơ mắc ung thư đại tràng trung bình nên được sàng lọc bằng xét nghiệm phân, nếu xét nghiệm phân dương tính cần được nội soi đại tràng kiểm tra.
Người trưởng thành có nguy cơ trung bình có sức khỏe tốt và tiên lượng sống thêm trên 10 năm nên sàng lọc tới 75 tuổi.
Từ 76 đến 85 tuổi, bác sĩ cân nhắc sàng lọc dựa trên tình trạng sức khỏe và nguyện vọng của bệnh nhân. Trên 85 tuổi, không khuyến cáo sàng lọc ung thư đại trực tràng.
Với những người có nguy cơ cao nên được kiểm tra thường xuyên hơn bằng nội soi đại tràng và bắt đầu kiểm tra ở độ tuổi sớm hơn:
- Bị đa polyp đại trực tràng.
- Bố mẹ hoặc anh chị em bị ung thư đại trực tràng.
- Nghi ngờ hoặc đã chẩn đoán một số hội chứng liên quan đến gia đình, đặc biệt hội chứng lynch hoặc hội chứng đa polyp có tính chất gia đình.
- Mắc viêm đại tràng trong thời gian dài hoặc có tiền sử xạ trị vào vùng bụng hoặc khung chậu do ung thư khác trước đó.
Ung thư cổ tử cung:
Xét nghiệm ung thư cổ tử cung nên bắt đầu từ tuổi 21. Phụ nữ trong độ tuổi từ 21 đến 29 nên làm xét nghiệm Pap - xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, 3 năm/lần. Không nên sử dụng xét nghiệm HPV ở nhóm tuổi này trừ khi cần thiết sau khi có kết quả xét nghiệm Pap bất thường.
Phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 65 nên làm xét nghiệm Pap cộng với xét nghiệm HPV được thực hiện 5 năm một lần. Nhưng cứ sau 3 năm, bạn nên làm xét nghiệm Pap một lần.
Phụ nữ trên 65 tuổi đã được xét nghiệm ung thư cổ tử cung thường xuyên trong 10 năm qua với kết quả bình thường thì có thể ngừng sàng lọc
Tất cả phụ nữ đã được tiêm vắc-xin ngừa HPV vẫn nên tuân theo các khuyến nghị sàng lọc cho các nhóm tuổi của họ.
Ung thư phổi:
Sàng lọc ung thư phổi hàng năm bằng chụp CT liều thấp cho một số người có nguy cơ cao mắc ung thư phổi như:
- Có độ tuổi từ 55 đến 74 và có sức khỏe bình thường
- Hiện đang hút thuốc hoặc đã bỏ hút thuốc trong 15 năm qua
- Có tiền sử hút thuốc từ 30 bao-năm trở lên (số bao-năm= số bao hút trong một ngày x số năm hút thuốc)
Ung thư tuyến tiền liệt:
Bắt đầu ở tuổi 50 nên được tầm soát ung thư tiền liệt tuyến. Đàn ông có cha hoặc anh trai bị ung thư tuyến tiền liệt trước 65 tuổi, nên được tầm soát ung thư tuyến tiền liệt từ 45 tuổi. Với đàn ông nguy cơ cao hơn khi nhiều thành viên trong gia đình chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt trước tuổi 65 nên được tầm soát ung thư tuyến tiền liệt bắt đầu từ tuổi 40.