Một nữ giảng viên đặt câu hỏi: “Em có một điều băn khoăn mà mãi không biết hỏi ai. Em dạy nhiều thế hệ sinh viên về khởi nghiệp, nhưng em lại không khởi nghiệp. Có lúc, sinh viên xì xầm nói, cô không có thực hành thì làm sao dạy lý thuyết được. Gặp được bộ trưởng, cho em hỏi, em có nên khởi nghiệp hay không?”

Đó là một câu hỏi hay và khá hóc búa. Bộ trưởng có vẻ trầm ngâm rồi đáp, cô giáo không nhất thiết phải khởi nghiệp. “Khi em khởi nghiệp thì em chỉ biết một doanh nghiệp đó bởi em phải dành hết sự quan tâm và thời gian cho nó. Tất nhiên, doanh nghiệp chưa chắc đã thành công. Trong khi đó, nếu em nghiên cứu, tìm đọc tài liệu, em có kiến thức, hiểu biết về hàng ngàn trường hợp khởi nghiệp. Với kiến thức đa dạng và phong phú đó, em sẽ giúp sinh viên một cách hữu ích hơn nhiều so với kinh nghiệm khởi nghiệp của riêng em chứ!”.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ khai giảng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: Thảo Anh

Có lẽ, lời giải đáp của Bộ trưởng đã giúp cô giáo giải tỏa điều băn khoăn của riêng mình trước hàng trăm sinh viên.

Nỗi băn khoăn trên không phải của riêng cô giảng viên của Học viện. Tôi biết một nữ giảng viên là phó giáo sư, tiến sỹ chuyên ngành quản trị kinh doanh và khởi nghiệp ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Nhiều năm nay, cô đi giảng khắp trong và ngoài nước. Cô còn tham gia tư vấn quản trị cho một số doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp trên bờ vực thua lỗ nhưng đã hồi sinh dần sau những góp ý của vị giảng viên.

Tuy nhiên, cô không có doanh nghiệp riêng của mình. Không ít lần, cô cũng bị các thế hệ sinh viên truy hỏi câu hỏi tương tự như của cô giáo ở Học viện.

Có doanh nghiệp riêng hay không cũng là tâm tư của nhiều giảng viên đại học, những người dạy sinh viên về khởi nghiệp. Lời giải đáp của Bộ trưởng, một trong những người đặt nền móng cho tập đoàn Viettel có doanh thu hàng chục tỷ USD, có lẽ không chỉ dành cho riêng cô giảng viên hôm đó.

Trong buổi giao lưu, các em sinh viên cũng đầy tâm tư về chuyện khởi nghiệp và xin Bộ trưởng lời khuyên.

Ông đáp: “Không có một công thức chung nào cho tất cả chúng ta”. Ông giải thích, khởi nghiệp là muôn hình vạn trạng. Có người khởi nghiệp khi đang là sinh viên, có người bỏ học để khởi nghiệp nhưng cũng có những người khởi nghiệp ở tuổi 70. 

“Trong suốt chặng đường 4 - 5 năm học đại học; 20 - 30 năm đi làm và khi nghỉ hưu, khi nào thấy đã đến lúc thì bạn hãy khởi nghiệp. Mỗi người thấy đã đến lúc với mình, dám và sẵn sàng thì hãy khởi nghiệp. Không nhất thiết phải theo ai”, ông nói.

Dẫn chứng từ thành công của CEO Facebook Mark Zukerberg, Bill Gates và nhiều người khác, ông nói khởi nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu từ những thứ lớn lao, cần nhiều kinh nghiệm hay nhiều vốn. Quan trọng nhất của khởi nghiệp là ý tưởng mới lạ và độc đáo.

“Những ý tưởng mới không xuất phát từ kinh nghiệm. Kinh nghiệm cho ta biết đúng sai nhưng cũng là gánh nặng trên vai, làm cho tư duy hạn hẹp lại. Thường có những ý tưởng mới, độc đáo thì lại không cần nhiều tiền phát triển".

Ông nói thêm, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, người không sở hữu công nghệ nguồn mà chỉ phát triển ứng dụng thôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn người nắm giữ công nghệ nguồn. 

“Đó là cơ hội cho các em sinh viên, cho các nước đang phát triển. Cơ hội khởi nghiệp hiện nay không cần quá nhiều tiền, mà là một ý tưởng", Bộ trưởng nói.

Những lời khuyên đó có lẽ sẽ lắng đọng cho các giảng viên và sinh viên không chỉ trong buổi giao lưu.

Mời xem lại toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ khai giảng năm học 2022-2023 của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tại đây.

Vũ Lâm

'Cái miệng giếng' của Bộ trưởng Thông tin

'Cái miệng giếng' của Bộ trưởng Thông tin

“Muốn đào một cái giếng sâu thì miệng giếng phải rất to” - câu nói này của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng được viral rất mạnh trên mạng xã hội với đủ cung bậc cảm xúc hôm qua.