Hội thảo khoa học quốc tế: “Khoa học, đạo đức và phát triển con người” vừa diễn tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã chào đón sự tham gia của hơn 50 nhà khoa học, chính trị, ngoại giao, dân sự… trong nước và nước ngoài tham gia. Trong đó, có GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, GS Lê Kim Ngọc - Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp, ông Mokhtar Omar - Cố vấn Cao cấp cho Tổng Thư ký Liên minh nghị viện thế giới (Thụy Sĩ), Michel Spiro - Chủ tịch Hội đồng Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững…

Các vị đại biểu tham dự Hội thảo

Mở đầu bài phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nêu vấn đề: Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh chưa từng thấy, có nhiều bất định, bất ổn, đột biến và rủi ro khó lường. Tốc độ tiến bộ của khoa học - công nghệ vượt xa nhận thức chung của nhân loại, ra khỏi tầm nhìn, dự báo của các chính khách và nhanh hơn nhiều đối với quá trình hoàn thiện, bổ sung luật pháp, chính sách của các quốc gia. Xu hướng đó đang đặt tiến trình phát triển của nhân loại trước nhiều cơ hội và thách thức không nhỏ; và ranh giới đạo đức của khoa học, nhất là những khoa học liên quan trực tiếp đến con người, đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết. 

Chúng ta đều biết, kỹ thuật nhân bản vô tính có thể được dùng để chọn lọc các bộ gen khỏe mạnh, nhưng cũng làm dấy lên cơn ác mộng rằng: khả năng con người có thể được “nhân bản” hàng loạt trong phòng thí nghiệm đang trở nên gần hơn với thực tế. Sự ra đời của mạng xã hội tạo ra một không gian trao đổi thông tin rộng lớn để các cá nhân có thể chia sẻ, kết nối và hợp tác vượt qua khoảng cách về địa lý, song cũng làm cho thế giới nội tâm của con người trở nên nghèo nàn, khiến nhiều người cảm thấy nhàm chán, cô đơn và lạc lõng. Sự sáng tạo nên trí tuệ nhân tạo và robot thông minh đã tạo động lực mới cho phát triển, giúp chúng ta giải quyết tốt hơn nhiều vấn đề phức tạp của cuộc sống, nhưng cũng đặt ra một câu hỏi lớn trong thế giới đương đại, đó là: con người sẽ có vị trí như thế nào trong mối quan hệ với thể chế và công nghệ?

Đề cập tới tầm nhìn Việt Nam đối với phát triển khoa học ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, vì con người chính là thông điệp về một tầm nhìn mang đặc sắc, bản lĩnh Việt Nam, về sự hài hòa giữa đạo đức, khoa học và phát triển trong một bối cảnh đang thay đổi nhanh, khó dự liệu của thế giới.

Theo đó, phát triển vì con người đã được Việt Nam kiên trì theo đuổi ngay từ những ngày đầu lập nước. Mục tiêu phát triển nêu trên trở thành tiêu ngữ gắn với quốc hiệu nước Việt Nam suốt 77 năm qua, đó là: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. 

Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương đã nhắc lại thành tựu sau hơn 35 năm đổi mới, từ một nước nghèo, lạc hậu, thu nhập thấp, Việt Nam đã trở thành một nước đang phát triển, thu nhập trung bình. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đã tăng gấp 14 lần, quy mô nền kinh tế tăng gấp 26 lần so với những năm đầu đổi mới. Trong gần hai thập niên từ năm 1990 đến năm 2010, đã có gần 30 triệu người Việt Nam thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ mức 58,1% năm 1993 xuống còn 2,23% năm 2021. Tăng trưởng ổn định và bao trùm đã đem lại lợi ích cho tuyệt đại đa số người dân, góp phần cải thiện đáng kể mọi lĩnh vực xã hội.

Đó là kết quả của việc thực hiện xuyên suốt chiến lược phát triển nhanh, bao trùm và bền vững; của quan điểm coi con người là mục tiêu, là động lực của sự phát triển; nhân dân là chủ thể của công cuộc đổi mới, là trung tâm của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước; phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển; và đặc biệt, trong đó có đóng góp quan trọng của việc thực hiện nhất quán tư tưởng coi phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, phát triển con người là “quốc sách hàng đầu”, là con đường ngắn nhất và tiết kiệm nhất để phát triển nhanh, bền vững và hiện đại hóa đất nước.

Đình Thành, Ngọc Ánh, Văn Giáp