Tuy nhiên, nghị quyết không yêu cầu đình chỉ các hoạt động thù địch, điều bị Mỹ phản đối. Washington cũng nhất quyết đòi loại bỏ một điều khoản cho phép Liên Hợp Quốc (LHQ) độc quyền kiểm soát việc vận chuyển nhân đạo vào Dải Gaza. Vì vậy, nghị quyết của HĐBA chỉ kêu gọi tạo ra “các điều kiện để chấm dứt những hành động thù địch một cách bền vững”.

Theo báo Guardian, nghị quyết kêu gọi bổ nhiệm ngay lập tức một điều phối viên nhân đạo của LHQ để lãnh đạo nhiệm vụ tăng cường nguồn cung nhân đạo ít ỏi hiện nay vào Gaza, đồng thời yêu cầu các bên liên quan, chủ yếu ám chỉ Israel, phải hợp tác đầy đủ với điều phối viên này. Tuy nhiên, Tổng thư ký LHQ António Guterres bày tỏ hoài nghi về việc chỉ riêng nghị quyết, nếu không có lệnh ngừng bắn, sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ hiệu quả.

HĐBA đã hoãn bỏ phiếu về xung đột tới 4 lần trước khi một phiên bản sửa đổi của nghị quyết được đưa ra vào tối 21/12, trong đó chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết có thể ủng hộ văn bản này nếu nó loại bỏ một số điều khoản theo mong muốn của họ.

Tất cả các nước thành viên HĐBA hôm 22/12 đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết do Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) soạn thảo, ngoại trừ Mỹ và Nga. Cả 2 nước thành viên thường trực, có quyền phủ quyết trong HĐBA này đều bỏ phiếu trắng.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield giải thích, Washington rất ủng hộ nghị quyết trên, nhưng bỏ phiếu trắng vì nó không có bất kỳ sự lên án nào đối với vụ đột kích đẫm máu của Phong trào Hồi giáo Hamas vào lãnh thổ Israel ngày 7/10, vốn châm ngòi cho cuộc xung đột hiện tại.

Đại sứ Nga Vasily Nebenzya cáo buộc Mỹ đã vô hiệu hóa nghị quyết, khiến quân Do Thái hoàn toàn có quyền tự do hành động. Giải thích về việc Moscow chọn bỏ phiếu trắng, ông Nebenzya nói: “Nếu tài liệu này không được một số quốc gia Ảrập ủng hộ, tất nhiên chúng tôi sẽ phủ quyết nó”.

Trong khi đó, Đại diện thường trực của Israel tại LHQ Gilad Erdan mô tả việc nghị quyết tập trung vào các cơ chế viện trợ là “không cần thiết và xa rời thực tế”. Ông Erdan quả quyết, Tel Aviv “đã cho phép vận chuyển viện trợ ở quy mô cần thiết” và hiện có khoảng 200 xe tải chở hàng viện trợ đang vào Gaza mỗi ngày. Song, LHQ và các cơ quan viện trợ khác lưu ý, đây chỉ là một phần rất nhỏ so với những gì cần thiết cho dân số hơn 2,2 triệu người trong khu vực.