Đặt mục tiêu 4,9 triệu lượt khách vào năm 2025

Hòa Bình nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, nơi thiên nhiên ưu đãi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp là nơi cư trú của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Kinh, Dao… 

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định rất rõ, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn… là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhiệm kỳ 2020 – 2025.

{keywords}
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Bắt tay vào triển khai, lấy qui hoạch làm cơ sở quản lý phát triển, tỉnh Hòa Bình tập trung hoàn thành việc lập Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với đó, đề án phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xây dựng các bước để sớm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc.

Chọn con đường dài, Hòa Bình xác định hướng phát triển du lịch bền vững, gắn chặt với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặt trọng tâm khai thác thị trường vùng thủ đô Hà Nội song song với mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

{keywords}
Hồ Hòa Bình.

Dọn đường để đạt mục tiêu, đến năm 2025, đón khoảng 4,9 triệu lượt khách, trong đó có 01 triệu lượt khách quốc tế, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Hòa Bình đã rốt ráo lập Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển.

Một loạt các kế hoạch nâng cấp hạ tầng đã được triển khai để cải thiện các tuyến đường trọng điểm như cao tốc Hòa Lạc - Thành phố Hòa Bình; đường cao tốc Thành phố Hòa Bình - Mộc Châu; đường nối Thành phố Hòa Bình - Kim Bôi; đường 433; đường 450; đường 436; cải tạo hệ thống điện, nước; đầu tư nguồn nhân lực để thu hút đầu tư vào du lịch. 

Để thu hút đầu tư, Hòa Bình không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức; tăng cường tính công khai, minh bạch và nâng cao chất lượng phục vụ của cơ chế một cửa, một cửa liên thông; phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 mỗi năm chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng tối thiểu 3 bậc. 

Bên cạnh đó, tỉnh đã định hình các khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng chất lượng cao, đáp đứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Hiện có 5 dự án được tỉnh lập danh mục thu hút đầu tư là: Khu nghỉ dưỡng cao cấp sinh thái Tà Xông A; Khu nghỉ dưỡng sinh thái Tà Xồ; Khu du lịch Thung A Láng; Khu du lịch sinh thái Cổng Trời; Khu du lịch sinh thái Thung Mặn, Thung Ảng.

Điểm nhấn mô hình du lịch cộng đồng 

Tại Hòa Bình có 6 dân tộc anh em gồm: Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao và Mông cùng chung sống. Khu vực hồ thủy điện Hòa Bình là địa bàn sinh sống lâu đời của người Mường, nơi có Nhà máy Thủy điện Hòa Bình với quy mô lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Đây hiện là điểm đến hấp dẫn bởi những mô hình du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Hòa Bình là một trong những tỉnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng sớm nhất so với các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngay từ thập niên 90, mô hình du lịch cộng đồng ở bản Lác (xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu) đã được du khách biết đến, đặc biệt là khách quốc tế. Nhờ lấy văn hóa bản địa làm gốc, du lịch cộng đồng đã phát triển mạnh mẽ ở Hòa Bình và lan tỏa sang các địa phương lân cận.

{keywords}
Khách du lịch đến thăm bản làng ở huyện Mai Châu. 

Tại đây, hiện có 9 điểm du lịch cộng đồng được công nhận với gần 160 hộ gia đình tham gia, trong đó có một điểm được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") hạng 4 sao. Để mô hình du lịch cộng đồng phát triển tương xứng với tiềm năng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 446/QĐ-UBND ngày 10-3-2020 phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình đến năm 2030.

Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho 290 hộ du lịch cộng đồng, đón trên 1,65 triệu lượt khách tham quan du lịch; tổng thu từ khách du lịch cộng đồng chiếm 19,5% tổng thu từ khách du lịch.

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng, tỉnh đã có kế hoạch hỗ trợ đầu tư cho công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy giá trị các di tích, danh thắng để khai thác phát triển du lịch; xây dựng cảnh quan du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh đáp ứng các chương trình du lịch mới gắn với lĩnh vực nông nghiệp, 

Hiện việc bồi dưỡng, đào tạo về kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu về quản lý du lịch cho đội ngũ quản lý cán bộ nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp địa phương luôn được tăng cường. Việc đào tạo được chú ý từ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng đón tiếp phục vụ khách cho người dân, để từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

Hiện Hòa Bình đã định hình 15 địa điểm du lịch cộng đồng, 22 sản phẩm hàng Lưu niệm – Nội thất – Trang trí về lĩnh vực du lịch đạt từ 3 – 4 sao theo tiêu chuẩn bán hàng OCOP. Tới đây tỉnh tiếp tục nhân rộng, hỗ trợ 10 mô hình phát triển du lịch cộng đồng cho các xã trên địa bàn tỉnh; tiếp tục hỗ trợ xây dựng 20 địa điểm du lịch cộng đồng, 30 sản phẩm hàng Lưu niệm – Nội thất – Trang trí về lĩnh vực du lịch đạt từ 3 - 5 sao theo tiêu chuẩn bán hàng OCOP.

Với sự đồng lòng, quyết tâm chính trị rất cao cùng một chiến lược phát triển bài bản, chắc chắn Hòa Bình sẽ sớm trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển mô hình du lịch cộng đồng trong nhiệm kỳ này.

Minh Phúc