Cuối năm 2021, khi đất nước chuyển trạng thái sang thích ứng linh hoạt, vừa chống dịch an toàn, hiệu quả, vừa phải lo phục hồi các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, ngành giáo dục cũng phải tìm mọi cách để thích ứng với việc dạy và học trong bối cảnh mới.
Tùy theo cấp độ nhiễm dịch mà trường nào học trực tiếp, trường nào học trực tuyến, đều được tính toán cẩn trọng.
Cho nên, ngay cả khi Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc trở thành tâm dịch, việc dạy và học của thầy trò các trường cũng không bị gián đoạn. Thầy cô mắc Covid vẫn dạy online, học trò mắc Covid vẫn học online, tất cả cốt để thầy cô dạy tốt nhất và học trò tiếp thu kiến thức tốt nhất có thể.
Dẫu biết rằng có những buổi dạy học trực tuyến thầy - trò đều mệt mỏi, vừa đọc bài vừa ho rũ rượi, choáng óc ù tai vì phải đeo phone và dán mắt vào máy tính, nhưng đổi lại, học sinh vẫn duy trì được việc học tập. Kỹ năng sống của học sinh cũng nhờ đó mà được nâng lên.
Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà lẫn mũi nhọn đều tiếp tục duy trì, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Đặc biệt, năm 2022 có một điều đáng để những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đất nước phải nhớ. Đó là trong hoàn cảnh chưa có tiền lệ ấy, hình ảnh thầy cô giáo đã sáng lên với tất cả tố chất đẹp nhất của những người mang trên vai sứ mệnh trồng người.
Dấn ấn của sự nghiệp giáo dục năm 2022 là các cô giáo ở Cát Bà mỗi tuần mấy lần đi đò ra các điểm đảo để dạy Tiếng Anh; là các thầy cô ở Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái… ngày nào cũng đi dạy luân phiên ở vài ba điểm trường, vượt qua vài ba mươi cây số đường rừng đèo dốc…
Sự tận tâm, tinh thần trách nhiệm và đức hy sinh của các thầy cô đã góp phần hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã dành những lời gan ruột để nói về sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên trong cả nước năm qua. Nên không quá khi nói rằng “2022 là năm của các thầy cô giáo”.
Chưa bao giờ chuyện giáo dục và đội ngũ giáo viên được nhắc đến nhiều như năm qua.
“Thiếu giáo viên”, “làn sóng giáo viên nghỉ việc” là những cụm từ mà từ quán trà đá vỉa hè đến diễn đàn Quốc hội, đi đâu cũng nghe bàn tán. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2022 có khoảng 16.000 giáo viên xin nghỉ việc.
Người dân đã thấy, Quốc hội đã nhìn ra và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng không thể không thừa nhận: Đó là chuyện rất không bình thường!
Đã có nhiều cách lý giải cho câu chuyện buồn này. Ngoài “Lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống, khiến một số giáo viên phải chuyển việc để kiếm thu nhập cao hơn” - như nhận định của Bộ trưởng GD-ĐT, thì áp lực công việc với bao thứ việc không tên nhiều khi lại là đầu dây mối nhợ nảy sinh những hệ lụy ngoài ý muốn. Sự việc “thầy hiệu trưởng bị phụ huynh bắt quỳ” ở Hà Tĩnh chỉ là một ví dụ.
Sức ép từ xã hội khi giáo viên được mặc định là phải “mô phạm”, phải “khuôn vàng thước ngọc”, “chuẩn mực”, “kiên nhẫn” mọi lúc mọi nơi… khiến với hầu hết các vụ việc xảy ra trong trường học, “phần sai” luôn được quy cho giáo viên… Sức ép này khiến nhiều thầy cô chỉ mong “ngày mai” sẽ “dễ thở hơn”chứ không cần điều gì to tát…
Thế nhưng, dù đất nước có khó khăn đến mấy cũng phải lo cho giáo dục, dù gia đình nghèo đến mấy cũng phải cho con cái chữ.
Truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa ngàn đời của dân tộc chính là niềm động viên, khích lệ để cho dù con đường còn lắm chông gai nhưng hơn 1,5 triệu thầy cô vẫn nhìn phía trước mà bước tiếp.
Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng “Đổi mới toàn diện giáo dục” là yêu cầu không thể dừng lại.
Thầy cô vẫn luôn là trụ cột của quá trình giáo dục, xưa đã vậy, mà nay cũng thế. “Không thầy đố mày làm nên”!
Tăng cường cơ sở vật chất, bổ sung hơn 65.000 giáo viên trong giai đoạn 2022-2026, riêng năm học 2022-2023 này là 27.000 giáo viên từ mầm non đến phổ thông công lập; nâng lương cơ sở và điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên… Mong rằng những chính sách kịp thời đó sẽ nhanh chóng được thực hiện để thầy cô có thêm động lực vượt qua khó khăn, vững tin bám trường bám lớp, để hình ảnh người thầy luôn là những gì đáng trân quý nhất trên hành trình thực hiện sứ mệnh gieo chữ.
Vân Thiêng - Ngân Anh - Lê Huyền