Đặc biệt, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai chương trình mới ở cấp THPT, với lớp 10. Học sinh không phải học 17 môn bắt buộc như hiện nay. Thay vào đó, các em học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương.

Bên cạnh đó, học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn gồm: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật.

Dù là năm thứ ba triển khai, nhưng thực trạng thiếu trường, lớp, đội ngũ giáo viên khiến việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở nhiều địa phương gặp khó khăn. Trong đó, nổi cộm hai vấn đề lớn là thiếu giáo viên cho các môn học mới và đội ngũ giáo viên dạy các môn tích hợp.

Vài tháng trước khi năm học mới bắt đầu, hàng loạt địa phương đã lên tiếng về tình trạng thiếu giáo viên các môn Tin học và Ngoại ngữ - là hai môn bắt buộc từ lớp 3 ở năm học này, và các môn Mỹ thuật và Âm nhạc đối với lớp 10. 

Theo con số thống kê được Bộ GD-ĐT đưa ra, chỉ riêng số giáo viên dành cho các môn học mới của Chương trình Giáo dục phổ thông mới đến năm 2025-2026 đã thiếu 26.228 người.

Năm học 2022-2023 cũng là năm thứ 2 áp dụng dạy học tích hợp. Tuy nhiên, những bất cập, khó khăn nảy sinh từ năm học trước là đội ngũ giáo viên dạy tích hợp vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Kết thúc năm học 2021-2022, cả nước mới có khoảng vài trăm cử nhân sư phạm dạy môn tích hợp ra trường. Con số này là quá nhỏ so với nhu cầu của hàng ngàn trường THCS. 

Giáo viên hiện nay được đào tạo dạy đơn môn, rất khó để đứng lớp dạy kiến thức 2, 3 môn liên tiếp với kiến thức tích hợp chuyên sâu. Các địa phương dù đã tăng tốc tổ chức bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình mới  nhưng kết quả vẫn còn khá khiêm tốn.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, môn học tích hợp là một trong những điểm khác biệt rõ ràng của chương trình hiện hành, đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực hơn…

Dù vậy, với một học kỳ đã trải qua, giống như việc triển khai Chương trình mới ở lớp 1, 2 và lớp 6 trước đây, mặc dù đầu năm học gặp một số khó khăn như sắp xếp thời khóa biểu, phân công giáo viên, phân chia chương trình các môn tích hợp, thiếu thiết bị học tập…, nhưng sau một thời gian ngắn, đa phần trường khắc phục được hạn chế, việc dạy học dần đi vào nền nếp.

Trước mắt, ngành giáo dục sẽ phải tiếp tục xử lý những công việc liên quan Chương trình mới cho những năm học tới như thẩm định sách giáo khoa các lớp 4, lớp 8, lớp 11 và chuẩn bị biên soạn cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Đồng thời, “bài toán” giáo viên để đảm bảo dạy và học theo Chương trình mới hiệu quả nhất cũng tiếp tục chờ ngành giáo dục đưa ra lời giải.