Sở GTVT Hà Nội mới đây đã thống kê, trên địa bàn thành phố hiện còn hơn 30 điểm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.
Ngành giao thông Hà Nội đang đặt mục tiêu xóa các điểm ùn tắc ở đường Vành đai 3 (trước tòa nhà Thăng Long Number One), nút giao Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh, ngã tư Sa Đôi - đường 70, ngã ba Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh.
Thực tế, thành phố Hà Nội cũng đã dành nhiều nguồn lực, đưa ra các giải pháp để xóa các điểm đen ùn tắc ở nội thành. Điển hình trong số đó là điểm đen ùn tắc ở Ngã tư Sở, ngã tư Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi, ngã ba Lương Đình Của - Phạm Ngọc Thạch.
Ngay từ khi đoạn đường Vành đai 2 trên cao hoàn thành, nút giao Ngã tư Sở - đường Láng luôn trong tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Để giải quyết tình trạng này, Sở GTVT Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp như điều chỉnh đèn tín hiệu, tổ chức lại giao thông dưới gầm cầu vượt.
Trong khi Sở GTVT Hà Nội loay hoay với các giải pháp trên, tình trạng ùn tắc giao thông ở Ngã tư Sở ngày càng nghiêm trọng hơn. Vào giờ cao điểm lối từ đường trên cao xuống Ngã tư Sở luôn trong tình trạng ùn tắc. Phía dưới đường trên cao - tuyến đường Trường Chinh cũng chung cảnh ùn tắc kéo dài.
TP Hà Nội cũng dành nhiều nguồn lực để giải bài toán ùn tắc giao thông trên trục đường Nguyễn Trãi, trong đó có biện pháp tổ chức lại giao thông. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Hà Nội từng tách xe buýt, ô tô cá nhân và xe máy đi theo làn đường dành riêng trên đường Nguyễn Trãi.
Tuy nhiên, do mật độ phương tiện giao thông trên đường Nguyễn Trãi quá cao, nên các biện pháp phân làn phương tiện của Sở GTVT đưa ra không đem lại hiệu quả rõ nét. Cụ thể, ô tô, xe máy vẫn lưu thông lộn xộn trên tuyến đường này. Tình trạng ùn tắc lối lên cầu vượt Ngã tư Sở, điểm rẽ vào đường Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân vẫn xảy ra vào giờ cao điểm.
Hơn 1 tháng (ngày 5/10) trước, Hà Nội chính thức thông xe hầm chui Lê Văn Lương. Từ thời điểm đó, tình trạng ùn tắc giao thông quanh khu vực hầm chui giảm rõ rệt. Tuy nhiên, các tuyến đường cách hầm chui vài trăm mét như ngã tư Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân và đường lên cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ lại ùn tắc nghiêm trọng hơn vào giờ cao điểm.
Tuy nhiên, ngoài các điểm ùn tắc cố hữu, cũng có những điểm ùn tắc mới phát sinh do nguyên nhân chủ quan, ví như việc dựng "lô cốt" chiếm dụng tới 2/3 lòng đường Nguyễn Xiển, nhưng bên trong lại không thi công.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, liên quan đến "lô cốt" lấn gần 2/3 đường Nguyễn Xiển đã gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng những ngày qua.
Tân Giám đốc Sở GTVT Hà Nội chia sẻ, ông đã "biết hết, nắm được hết" thông tin rào chắn trên đường Nguyễn Xiển gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, khiến dư luận bức xúc.
Ngoài ra, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường còn cho biết, ngay khi nhận nhiệm vụ, ông đã đi thị sát hơn 30 điểm đen ùn tắc trên địa bàn thành phố.
Theo ông Thường, từ thực tiễn thị sát, tới đây các bên liên quan của thành phố sẽ xử lý từng điểm ùn tắc.