Ông Bùi Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Đắk Nông băn khoăn về nguy cơ không thể giải ngân hết nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719) vì đối tượng thụ hưởng chương trình này bị thu hẹp khi công tác giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả tích cực.

Nếu như khi bắt đầu triển khai Chương trình 1719 vào năm 2021, tỉnh có gần 18,3 nghìn hộ nghèo (11,19% dân số), thì đến nay chỉ còn hơn 8,8 nghìn hộ, giảm hơn 9,4 nghìn hộ. Hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng giảm từ gần 12,8 nghìn hộ (27,98%) xuống còn khoảng 6,4 nghìn hộ, giảm gần 6,4 nghìn hộ.

“Đối tượng thụ hưởng Chương trình 1719 là hộ nghèo dân tộc thiểu số thuộc địa bàn thôn, xã đặc biệt khó khăn đã giảm mạnh so với kế hoạch đề ra từ đầu chương trình. Đối tượng thụ hưởng bị thu hẹp, trong khi nguồn vốn vẫn được chuyển từ các năm trước sang năm sau dẫn đến khó khăn trong giải ngân vốn”, ông Sơn chia sẻ.

thon ban
Từ năm 2021 đến 2025, số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Nông giảm từ gần 12,8 nghìn hộ xuống còn khoảng 6,4 nghìn hộ.

Cùng với đó, tiểu dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” với tổng vốn đầu tư 44 tỷ đồng cũng không thể giải ngân được do nhiều nguyên nhân.

Cụ thể, doanh nghiệp, đơn vị chủ trì liên kết chưa đủ năng lực, khả năng đáp ứng các tiêu chí theo quy định (phải có vùng trồng 210ha, trong đó 50ha công nghệ cao); các tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ gia đình trong vùng dự án còn hạn chế trong việc tham gia liên kết, đầu ra cho sản phẩm dược liệu gặp nhiều khó khăn. 

Một số mặt hàng nông sản giá cao hơn nên người dân chưa mặn mà tham gia liên kết trồng dược liệu.

Vùng Tây Nguyên lại chưa có trung tâm giống dược liệu để cung ứng cho vùng trồng tại dự án.

“Quá trình thực hiện dự án, các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện thay đổi, bổ sung nhiều lần; khó huy động vốn. Trong khi đây là dự án có tính đặc thù, lần đầu thực hiện, địa bàn thực hiện thuộc vùng dân tộc thiểu số tại xã đặc biệt khó khăn, thời gian, chu kỳ đầu tư và sinh trưởng dược liệu thường từ 3 năm trở lên mới có kết quả”, ông Sơn lưu ý thêm.

Vướng mắc liên quan quy hoạch bô-xít

Một khó khăn nữa trong quá trình triển khai Chương trình 1719 nói riêng, các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh cũng được Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo thẳng thắn đề cập, đó là vướng mắc liên quan quy hoạch bô-xít.

Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã tập trung chỉ đạo quyết liệt để xử lý các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia vướng quy hoạch bô-xít, như điều chuyển nguồn vốn sang những dự án khác có nhu cầu, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được dứt điểm.

Đặc biệt, dự án bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn xã Quảng Sơn - huyện Đắk Glong có tổng mức đầu tư 63 tỷ đồng thuộc dự án 2 của Chương trình 1719, có 6 hạng mục công trình là trường học nằm trong vùng quy hoạch bô-xít. Các hạng mục công trình trường học được xây dựng trên nền công trình cũ.

Theo Quyết định số 866 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật vì lợi ích quốc gia, công cộng trên khu vực có khoáng sản được phép triển khai trên nguyên tắc phải thu hồi, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tuân thủ quy định tại Luật Khoáng sản, Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, hầu hết các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông, các dự án khu tái định cư trên địa bàn tỉnh đều vẫn đang phải tạm dừng do chưa xác định được giải pháp tổ chức bảo vệ, thu hồi khoáng sản bô-xít.

“Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến việc giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực thăm dò quy hoạch, khai thác bô-xít”, ông Sơn nhấn mạnh.

Lũy kế đến 18/3/2025, tỉnh Đắk Nông đã giải ngân hơn 884 tỷ đồng nguồn vốn được phân bổ các năm 2022, 2023, 2024, 2025 (đạt 59,15% tổng kế hoạch vốn), trong đó, vốn đầu tư là 686 tỷ đồng (59,08%), vốn sự nghiệp hơn 198 tỷ đồng (59,39%).

Tỉnh đã thực hiện đạt và vượt một số mục tiêu đề ra. Chẳng hạn, năm 2022 giảm 7,87% hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2024 giảm 7,54%, trong khi mục tiêu đề ra là 5%/năm. Phấn đấu hết năm 2025, tỉnh hoàn thành mục tiêu 7 xã và 72 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.