
Đến vùng miền núi Mộc Châu (tỉnh Sơn La), chúng tôi khá bất ngờ khi ở đây có những vườn sản xuất rau an toàn được trồng trong nhà lưới, nhà màng với hệ thống tưới tiêu thông minh.

Anh Hờ A Chống, người dân tộc Mông, đang lúi húi làm cỏ cho một vườn bí trên đồi ở phường Vân Sơn (thị xã Mộc Châu) cho biết, gia đình anh đã bắt đầu làm công việc chăm sóc rau cho hợp tác xã từ 2 năm trước.
Mỗi năm ở đây trồng rất nhiều loại như bí, dưa, cà chua, cà rốt, khoai tây…, không phải lo khâu tiêu thụ vì có doanh nghiệp mang xe về tận nơi để thu mua.
“Hàng ngày, mình làm việc từ 6-10h sáng, và từ 1-5h chiều. Những công việc như làm luống, cày đất đã có máy làm. Phân bón được hợp tác xã trộn sẵn. Mình chỉ cần rải phân, làm cỏ… và một vài công việc khác. Nói chung là cũng không khó lắm, chỉ cần nghe hướng dẫn kỹ thuật một buổi là biết hết. Dù mưa nắng vất vả, nhưng công việc này phù hợp với người dân ở đây. Tiền công làm vườn mỗi năm được hơn 60 triệu đồng/người”, anh Chống kể.
Vườn rau anh Chống đang chăm sóc là của hợp tác xã Nông Xanh do ông Lưu Tùng Định làm giám đốc. Đây là một trong những hợp tác xã ở Sơn La nhận hỗ trợ từ dự án Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.

Ông Kayano Naoki, chuyên gia JICA, điều phối viên dự án chia sẻ: Sơn La là vùng đồi núi, điều kiện sản xuất khó khăn hơn rất nhiều so với vùng đồng bằng, nhưng khí hậu trong lành, nguồn nước ít ô nhiễm. Điều này tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc trồng rau, đặc biệt là rau trái vụ.
“Rau là sản phẩm tiêu dùng hàng ngày. Ở dưới xuôi, có những mùa vụ hiếm rau, thì lúc đó, các loại bí, bắp cải… ở Sơn La sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây chính là lợi thế của miền núi so với miền xuôi”, chuyên gia JICA phân tích lý do lựa chọn Sơn La tham gia dự án.
Đánh giá cao sự năng động của các hợp tác xã và bà con nông dân ở Sơn La trong việc tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật canh tác rau an toàn, ông Kayano Naoki kể: Dự án đã mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác, đồng thời tổ chức nhiều chuyến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn. Nhờ áp dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật phù hợp điều kiện, hoàn cảnh, các hợp tác xã ở Sơn La đã thu kết quả ban đầu rất tốt, sản lượng cây trồng tăng lên, chất lượng tốt hơn.
Bên cạnh đó, dự án giới thiệu cách tiếp cận Viet-Shep, hướng dẫn nông hộ nhỏ cách thức sản xuất theo nhu cầu thị trường.
“Các hợp tác xã, nông dân ở Sơn La đã dần thay đổi tư duy, từ chỗ 'cứ trồng đã, bán thế nào tính sau' chuyển sang hướng 'trồng để bán'. Tới giờ, các hợp tác xã tham gia dự án đều rất thành thạo trong việc khảo sát thị trường trước khi xây dựng kế hoạch sản xuất, qua đó chọn thị trường đầu ra phù hợp nhất với năng lực của mình, nếu còn khiêm tốn thì chọn chợ đầu mối trong tỉnh, nếu ổn hơn thì vào các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, thậm chí có thể hướng tới xuất khẩu”, vị chuyên gia JICA cho hay.
Tăng tính cạnh tranh nhờ rau sạch trái vụ
Dự án Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn được triển khai tại 7 tỉnh, trong đó 6 tỉnh miền xuôi, duy nhất Sơn La là tỉnh miền núi.

Theo ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Sơn La, tỉnh được chọn vì hoạt động phát triển cây ăn quả và rau xanh thời gian qua rất tốt.
Rất nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh mong muốn được hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt là hướng dẫn về sản xuất an toàn theo GAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt).
“Tuy nhiên, trong số khoảng 10 hợp tác xã đề xuất, chỉ có 5 hợp tác xã mục tiêu được chọn tham gia dự án, gồm 2 hợp tác xã chuyên canh về cây ăn quả và 3 chuyên sản xuất rau các loại”, ông Ngọc thông tin.
Với sự hỗ trợ của chuyên gia JICA, các hợp tác xã không chỉ nâng cao năng lực sản xuất mà còn được kết nối tìm đầu ra. Nhờ đó, thu nhập từ rau an toàn khá ổn định.
Kể cả năm ngoái, bão số 3 ảnh hưởng lớn, nhưng các hợp tác xã vẫn sớm kịp thời khắc phục sản xuất, không để ngắt chuỗi cung ứng.
Trên thị trường những lúc chính vụ, phổ biến tình trạng “được mùa, mất giá”, nhưng các loại rau quả đảm bảo điều kiện an toàn, mẫu mã đẹp vẫn dễ bán với giá cao hơn. Chẳng hạn, có chỗ xoài chỉ 2.000 đồng/kg không bán được, nhưng lại có chỗ xoài sạch 20.000 đồng/kg vẫn không có hàng để bán.
Bà Phạm Thị Lan, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La nhấn mạnh: “Nếu sản xuất rau chính vụ thì Sơn La không thể cạnh tranh được với các tỉnh khác. Bởi thế, chúng tôi đang tập trung vào rau trái vụ, rau đặc sản - 2 loại cây trồng được đánh giá là hiệu quả nhất hiện nay”.

Toàn tỉnh Sơn La hiện có 308 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, trong đó có 44 chuỗi rau an toàn, diện tích 378ha, sản lượng hơn 12,7 nghìn tấn/năm; 188 chuỗi quả an toàn (xoài, nhãn, mận, chanh leo, bơ, cam, bưởi, dâu tây, thanh long...), diện tích 4.184ha, sản lượng hơn 53,2 nghìn tấn/năm…
Trên địa bàn tỉnh đã có 9 vùng được cấp chứng nhận vùng ứng dụng công nghệ cao, gồm 1 vùng về chăn nuôi bò sữa, 8 vùng cây trồng.
Quá trình triển khai dự án của JICA, tỉnh Sơn La lồng ghép thêm 2 đề án rất lớn khác, gồm: Phát triển vùng nguyên liệu sản xuất đạt chuẩn để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; khuyến nông cộng đồng.
“Thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục sử dụng tài liệu của JICA kết hợp với các chương trình khuyến nông, nhân rộng các vùng sản xuất rau và cây ăn quả an toàn”, bà Lan chia sẻ thêm.

