Hiện nay, cây thuốc lá là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Cao Bằng, thể hiện rõ mối liên liên kết “4 nhà – nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông dân". Từ các khâu ươm trồng, chăm sóc, thu hái, sấy khô,…đều có “bàn tay” của các cán bộ khoa học hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho người trồng. Đặc biệt, đầu ra sản phẩm luôn được đảm bảo, được thu mua và tiêu thụ ổn định.

Tại huyện Thông Nông, toàn bộ sản phẩm nguyên liệu thuốc là được Tổng công ty Khánh Việt (KHATOCO) (Doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh Khánh Hòa) hỗ trợ kỹ thuật từ các khâu ươm trồng... cho đến cam kết bao tiêu nguyên liệu.

Với nguồn thu mua ổn định, việc trồng thuốc lá đã tạo điều kiện ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho khoảng 5.500 hộ nông dân trên toàn tỉnh Cao Bằng. Trong đó, mức thu nhập từ trồng thuốc lá nguyên liệu đạt từ 70 - 80 triệu đồng/ ha, đối với một số hộ áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật, sử dụng giống chất lượng cao, thu nhập có thể đạt trên 100 triệu đồng/ha (thu nhập trung bình từ trồng lúa vụ xuân là 30,8 triệu đồng/ha, từ trồng ngô là 30 - 32 triệu đồng/ha). Trong những năm gần đây, doanh thu từ thuốc lá nguyên liệu trên trên địa bàn toàn tỉnh đạt từ 220 tỷ - 250 tỷ đồng/năm. Bộ mặt nông nghiệp, nông thôn vùng trồng thuốc lá đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều xã đã về đích Nông thôn mới, đời sống người dân được nâng cao.

 Diện tích trồng cây thuốc lá hàng năm được trồng trên diện tích lúa 1 vụ (vụ Đông Xuân trồng thuốc lá, vụ Mùa trồng lúa). Sau khi thu hoạch cây thuốc lá, đất trồng được cải tạo, phơi khô, tơi xốp, tận dụng được chất dinh dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho vụ Mùa phát triển nhiều loại cây trồng khác sinh trưởng tốt, cho năng suất cao.
Hàng năm, các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật của KHATOCO đều tập huấn kỹ thuật ươm trồng, hái, sấy... cho người dân trồng cây thuốc lá ở Xã Đa Thông và các xã khác thuộc huyện Thông Nông (Cao Bằng).
Do luôn được cải tiến về kỹ thuật xây lò cũng như cập nhật các kỹ thuật sấy đã được cải tiến mới nên nếu như trước đây, mấy lò gốc thuốc thường có màu đen xỉn, chất lượng thấp thì nay thuốc lá có màu vàng ươm ngay từ lò đầu tiên.
Sấy thuốc lá là khâu quan trọng trong quy trình sản xuất, quyết định đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Vì vậy, bà con luôn phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, hái thuốc vào sáng sớm, hái lá chín, thuốc lá tươi từ ruộng về nên đưa vào chỗ mát, để nguyên bó dựng đứng cuống lá xuống dưới, ngọn lá lên trên. Không để thuốc lá tươi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng...
Cán bộ kỹ thuật KHATOCO cùng cán bộ kỹ thuật tại địa phương thường xuyên kiểm tra các quy trình ươm, trồng, sấy nguyên liệu nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra cũng như nâng cao giá thành, đảm bảo đời sống của người dân được cải thiện ngày một tốt hơn.
Để phát triển vùng thuốc lá nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, đảm bảo chất lượng và thu nhập ổn định cho người nông dân thì việc thực hiện theo đúng các quy trình kỹ thuật về giống, phân bón, kỹ thuật thu hái, sấy khô,…là điều quan trọng.
Khâu hái, sấy là khâu quan trọng trong sản xuất thuốc lá nguyên liệu, nếu làm tốt những công đoạn này, bà con sẽ đạt năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế cao, tăng hàm lượng nicotine trong thuốc lá nguyên liệu sản xuất tại địa phương.
Nhờ nguồn thu nhập từ trồng thuốc lá, nhiều gia đình có cuộc sống ổn định, có điều kiện cải tạo, nâng cấp lò sấy theo phương thức mới, đầu tư thêm giàn phơi thuốc chắc chắn, nhiều tầng, giúp thuốc lá sau khi cuốn sào được khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời, gió thổi trực tiếp.
Cán bộ kỹ thuật đang hướng dẫn cho người dân cách nhận biết sản phẩm nguyên liệu đã đảm bảo chất lượng hay chưa sau từng khâu chế biến sản phẩm.
Nguyên liệu sau khi đã qua các khâu tuyển chọn được đóng gói cung cấp cho đơn vị tiêu thụ. Vụ sản xuất thuốc lá năm nay, toàn tỉnh Cao Bằng trồng trên 3.000 ha cây thuốc lá, đến thời điểm hiện tại có 13 nhà đầu tư tham gia liên kết với nông dân trồng và tiêu thụ sản phẩm thuốc lá.