Trong 9 tháng qua, bối cảnh kinh tế của tỉnh Nam Định và cả nước có nhiều tín hiệu khởi sắc, hoạt động kinh tế - xã hội dần trở lại bình thường sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Giá trị sản xuất ngành xây dựng tỉnh ước đạt 15.408 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Để có được kết quả đó, ngay từ đầu năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, tỉnh Nam Định cũng đã tập trung nguồn lực triển khai thực hiện một số dự án lớn công trình trọng điểm của tỉnh. Cụ thể như: Giai đoạn 1 dự án đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định, Tỉnh lộ 485B, 487B, 488B, 488C, xây dựng đường trục trung tâm phía Nam thành phố Nam Định, Khu đô thị mới phía Nam sông Đào, nâng cấp hệ thống công trình phòng, chống lụt bão đê hữu sông Hồng và đê tả sông Đào, cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ, dự án Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử văn hóa thời Trần.

Giá trị sản xuất ngành xây dựng tỉnh Nam Định ước đạt 15.408 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Nam Định cũng huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông được kết nối thông suốt giữa các vùng của tỉnh với khu vực và quốc gia. Hạ tầng điện, nước và các dịch vụ ngân hàng, viễn thông đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đồng thời, tỉnh cũng tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất kinh doanh. Tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án có vốn lớn, công nghệ thân thiện với môi trường. 

Kết quả khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh trong quý III/2022 cho thấy, có 45,1% doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước; có 23,5% doanh nghiệp cho rằng sản xuất kinh doanh khó khăn hơn, giảm 40,7%.

Những tháng cuối năm 2022, dự báo toàn ngành tiếp tục tăng trưởng theo quy luật thị trường và tiến độ phục hồi kinh tế chung. Tuy nhiên các yếu tố đầu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng có xu hướng tăng. Do vậy, toàn ngành phải có những giải pháp hữu hiệu để đảm bảo giá trị sản xuất cả năm 2022 đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Mai Thanh