Hiện nay, Gia Lai có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào DTTS chiếm 46,23%. Bahnar và Jrai có số dân đông nhất trong các đồng bào DTTS của tỉnh (Jrai chiếm 30,37% dân số; Bahar chiếm 12,51% dân số); các dân tộc khác như Thái, Nùng, Tày, Êđê, Xơ Đăng, Mông, Dao… chiếm 3,35% dân số toàn tỉnh. 

gialai.jpg
Thị trấn Chư Sê, Gia Lai

Do đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội, thành phần và cơ cấu dân số, dân tộc cơ hữu nên công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và quản lý nguồn cán bộ là DTTS trên địa bàn có tính chất đặc thù, cần phù hợp với yêu cầu khách quan về quản lý xã hội của địa phương, vừa bảo đảm sự chỉ đạo chung của Chính phủ về công tác củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên.

UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành công văn số 2490/UBND-NC về việc thực hiện Kế hoạch số 280/KH-UBND ngày 19.01.2017 của UBND tỉnh về thực hiện “Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai” trong thời kỳ mới.

Thông qua công tác tuyển dụng, tỷ lệ người DTTS trong cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức các ngành, lĩnh vực tại Gia Lai phải được bảo đảm theo các quy định của Nhà nước, dần đáp ứng chuẩn ngạch và vị trí việc làm.

Theo báo cáo của của UBND tỉnh, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội, ổn định tình hình an ninh quốc phòng ở địa phương trong tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp.

Cụ thể, ở cấp tỉnh, tổng số biên chế công chức trong các cơ quan hành chính và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập được giao năm 2022 là 9.504 người (trong đó 1.310 công chức, 8.194 viên chức); tổng số cán bộ, công chức, viên chức người DTTS có mặt tính đến ngày 31-7-2023 là 1.219 người (100 công chức, 1.119 viên chức). Như vậy tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tham gia vào cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh đạt 12,83% tổng số biên chế được giao, đảm bảo theo quy định (tối thiểu 10% tổng số biên chế được giao).

Ở cấp huyện có 3/17 địa phương đạt tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS theo quy định gồm: thị xã Ayun Pa, huyện Krông Pa và Ia Pa. Riêng thị xã An Khê có tỷ lệ người DTTS dưới 5% tổng dân số của thị xã nên đã thực hiện bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tại chỗ phù hợp.

Ngoài việc quan tâm đến cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS nói chung thì tỉnh đặc biệt quan tâm đến số lượng người DTTS giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý tại đơn vị, địa phương. Nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND các cấp đã bầu 5.639 đại biểu với cơ cấu, thành phần hợp lý, gồm: 71 đại biểu cấp tỉnh (trong đó người Bahnar, Jrai có 21 đại biểu, chiếm 29,58%); 571 đại biểu cấp huyện (163 đại biểu người Bahnar, Jrai, chiếm 28,55%); 4.997 đại biểu cấp xã (1.701 đại biểu người Bahnar, Jrai), chiếm 34,04%).

Tại buổi giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Gia Lai với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan về “Việc thực hiện quy định của pháp luật về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn” hôm 5/10, cho thấy, bên cạnh nêu bật những mặt đạt được, đại diện các sở, ngành cũng nêu những khó khăn, tồn tại trong việc phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tại cơ quan, đơn vị.

Trong đó, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS chưa đồng đều giữa các cấp, ngành, cơ quan Đảng và cơ quan Nhà nước gây khó khăn cho việc xác định các chỉ tiêu dành riêng để tuyển người DTTS; tỷ lệ người DTTS trúng tuyển trong các kỳ tuyển dụng công chức, viên chức còn thấp; công tác bố trí, sử dụng cán bộ có lúc có nơi còn nặng về cơ cấu, chưa chú trọng tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định; còn lúng túng trong việc lựa chọn cán bộ dự nguồn…

Đặc biệt, hầu hết sinh viên người DTTS tại chỗ có trình độ chuyên môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, các ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật khoa học công nghệ còn ít nên cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tại chỗ ở các ngành, lĩnh vực chưa đồng đều. Trên cơ sở đó, đại diện các sở, ngành cũng nêu một số giải pháp nhằm khắc phục các tồn tại nêu trên.

Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long lưu ý: quan trọng nhất là bồi dưỡng, tạo nguồn, đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Bên cạnh đó cũng cần có các chính sách thu hút, ưu tiên đối với sinh viên DTTS không phải là cử tuyển, tự đi học đại học với những ngành, nghề mà tỉnh đang cần. Sở Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách đào tạo, thu hút cán bộ, công chức, viên chức người DTTS để họ nắm thông tin rõ ràng, cụ thể hơn và tham gia ứng tuyển…

Cửu Long