Theo báo Guardian, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã đưa ra đề xuất trên. Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết vẫn chưa nhận được yêu cầu như vậy.

"Chúng tôi không biết vấn đề này đang được đề cập đến và sẽ chuyển câu hỏi của bạn đến chính phủ Ba Lan", một quan chức Mỹ hồi đáp cầu hỏi của phóng viên về sự việc.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Ảnh: FT

Giới quan sát nhận định, đề xuất của ông Duda dường như là ví dụ mới nhất về các quan ngại hạt nhân, khi Mỹ và các đồng minh tìm cách ngăn cản Moscow sử dụng vũ khí nguyên tử trước tiên trong xung đột kể từ năm 1945, đồng thời chuẩn bị các phản ứng khả thi nếu việc ngăn chặn thất bại. 

Phát biểu của lãnh đạo Ba Lan về việc triển khai vũ khí hạt nhân Mỹ trên lãnh thổ nước này tiếp sau những thay đổi trong hiến pháp của nước láng giềng Belarus, vốn cho phép vũ khí hạt nhân Nga lắp đặt trên lãnh thổ của họ.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với tờ Gazeta Polska, ông Duda đã đề cập đến "cơ hội tiềm năng" để Ba Lan tham gia chương trình "chia sẻ hạt nhân" của Mỹ. Theo đó, các quả bom hạt nhân Mỹ sẽ được cất giữ trên lãnh thổ Ba Lan và các phi công của nước này sẽ được huấn luyện để thực hiện các sứ mệnh bay mang theo bom hạt nhân Mỹ. Lãnh đạo chính phủ Ba Lan nói, "vấn đề đang để mở".

Tuy nhiên, giới quan sát lưu ý, chuyển vũ khí hạt nhân của Mỹ vào Ba Lan có thể vi phạm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và Đạo luật sáng lập quan hệ NATO - Nga năm 1997 sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, trong đó liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu tuyên bố không có kế hoạch triển khai các khí tài như vậy trên lãnh thổ của các nước thành viên mới. Moscow bị cáo buộc đã vi phạm các cam kết của chính họ theo đạo luật này.

Các chuyên gia hạt nhân nhấn mạnh thêm, đề xuất của ông Duda hầu như mang tính biểu tượng vì việc hiện thực hóa nó hầu như không có ý nghĩa chiến lược đối với Ba Lan hoặc NATO.

Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) ước tính, Washington hiện còn khoảng 100 vũ khí hạt nhân sót lại ở châu Âu do hậu quả của Chiến tranh Lạnh, phân bố rải rác ở Hà Lan, Bỉ, Đức, Italia và Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng đều là bom B61 từng bị coi là lỗi thời về mặt quân sự, không có nhiệm vụ gì trong trường hợp xảy ra chiến sự với Nga. Song, Mỹ đã hiện đại hóa B61 thành B61-12. Các chuyên gia kiểm soát vũ khí từ lâu đã kêu gọi loại bỏ chúng khỏi châu Âu.

Tuấn Anh