Nước ta có 54 dân tộc, trong đó có 53 DTTS, với 14,123 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Quy mô dân số không đồng đều, có 06 dân tộc trên 01 triệu người, 14 dân tộc dưới 10.000 người, trong đó có 05 dân tộc dưới 1.000 người (Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo và Si La). Hầu hết các DTTS sinh sống ở miền núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa và tập trung chủ yếu ở một số tỉnh khu vực miền Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nam bộ.

Thực trạng đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường vùng DTTS&MN đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như nghèo nhất, cơ sở hạ tầng kém nhất, nguồn nhân lực thấp nhất, văn hoá mai một… Do đó, thực tiễn chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi cần phải nhanh chóng đồng bộ hoá.

Trước yêu cầu đổi mới về tổ chức, hoạt động của Quốc hội để xây dựng Nhà nước pháp quyền, yêu cầu đối với việc xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách dân tộc (CSDT) ở nước ta đã và đang đặt ra nhiều vấn đề. Trong đó trọng tâm là cần rà soát toàn bộ các văn bản của Đảng đã ban hành liên quan đến CSDT, cùng với việc rà soát, đối chiếu các văn bản  quy phạm pháp luật của Nhà nước xác định những vấn đề, nội dung chưa được thể chế hóa, tổng hợp các nội dung CSDT cần thể chế hóa bổ sung, hoàn chỉnh phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thực tiễn triển khai đặt yêu cầu cần thiết phải sửa đổi bổ sung hoặc thay thế các quy định không còn phù hợp trong các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hiện hành liên quan đến CTDT, CSDT; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết về lĩnh vực dân tộc để báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành vào thời điểm thích hợp.

Thực tiễn triển khai cũng đặt ra yêu cầu sớm khắc phục tình trạng manh mún, phân tán về chính sách dân tộc, hệ thống hóa các chính sách dân tộc làm cơ sở định hướng để xây dựng Luật Dân tộc và ban hành các chính sách dân tộc trong thời gian tới. 

Bởi vậy,  Đề án “nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 2013” được xây dựng nhằm báo cáo Đảng đoàn Quốc hội xem xét về thực trạng hệ thống văn bản có quy định liên quan đến CTDT, CSDT; việc thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp liên quan đến CSDT; mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ hóa CSDT trong thời gian tới theo các nghị quyết của Đảng và Quy định của Hiến pháp.

Thời gian qua, quá trình nghiên cứu, xây dựng Đề án, Ban Soạn thảo đã được UBDT phối hợp, cung cấp các nội dung liên quan đến rà soát hệ thống chính sách dân tộc, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến CTDT, CSDT, tuy nhiên vẫn còn thiếu một số văn bản, cần tiếp tục được cập nhật; làm rõ hơn số liệu kết quả phân bổ, giải ngân vốn Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội hôm nay (26/9), Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc Y Vinh Tơr và lãnh đạo một số vụ, đơn vị liên quan thuộc UBDT đã trao đổi các nội dung liên quan đến việc hệ thống hóa danh mục các văn bản, các CSDT đã được tích hợp vào Chương trình MTQG 1719 cũng như đang được nghiên cứu, hợp nhất, tích hợp lại; các chính sách đang tiếp tục được xây dựng triển khai (phân định miền núi vùng cao; xác định thành phần, tên gọi các dân tộc…).

Trao đổi, phân tích quá trình thực hiện việc tổng hợp số liệu, xây dựng báo cáo liên quan đến việc phân bổ, giải ngân vốn Chương trình MTQG 1719; phân tích khó khăn của quá trình xây dựng Đề án này, trong đó đề xuất cần làm rõ khái niệm nội hàm của Đề án, cần xác định lại các tiêu chí đồng bộ hóa CSDT, nội dung gì đã đồng bộ và chưa đồng bộ?…

Cũng tại buổi làm việc, hai bên cũng trao đổi và phân tích các nội dung chưa phù hợp, cần điều chỉnh; đồng thời làm rõ thêm việc xây dựng các tiêu chí đồng bộ CSDT; thông tin làm rõ được nhiều nội dung quan trọng xoay quanh dự thảo đề cương dự Đề án.

Trên cơ sở các ý kiến, nội dung trao đổi, đề xuất của Ban Soạn thảo Đề án, UBDT sẽ giao cho cơ quan chuyên môn phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, nội dung liên quan đến Đề án theo yêu cầu của Ban Soạn thảo. Về các nội dung liên quan đến Chương trình MTQG 1719, đề nghị Văn phòng điều phối Chương trình MTQG 1719 nghiên cứu phối hợp với Ban Soạn thảo, và nghiên cứu đề xuất với Bộ Tài chính trong việc cung cấp số liệu, đối khớp thông tin giữa các đơn vị.

Hải Vân