Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia.
Theo đó, Chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm 45 cuộc điều tra, khảo sát trong đó có 3 cuộc Tổng điều tra thống kê quốc gia (Tổng điều tra dân số và nhà ở; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; Tổng điều tra kinh tế) và 42 cuộc điều tra thống kê ở các lĩnh vực khác nhau.
Có 2 cuộc điều tra liên quan đến lĩnh vực du lịch, gồm điều tra thông tin khách du lịch nội địa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì; và điều tra chi tiêu của khách du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì.
Cụ thể, Bộ KH-ĐT sẽ điều tra để thu thập thông tin về tổng mức chi tiêu và những khoản chi tiêu chủ yếu của khách du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam, làm cơ sở tính mức chi tiêu bình quân chung và cơ cấu chi tiêu của khách. Đây cũng là cơ sở để suy rộng ra một số chỉ tiêu chủ yếu về du lịch, xuất khẩu dịch vụ du lịch, đáp ứng yêu cầu Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) và các yêu cầu khác.
Đối tượng điều tra là khách quốc tế đang nghỉ tại các cơ sở lưu trú.
Khách sẽ được hỏi về mức chi cho đi lại; ăn uống; lưu trú; tham quan; các dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; chi cho y tế và bảo vệ sức khỏe; mua sắm.
Đồng thời, điều tra sẽ ghi nhận ý kiến của khách quốc tế với cảnh quan thiên nhiên, môi trường, điều kiện vật chất, dịch vụ của các cơ sở lưu trú tại Việt Nam.
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2019, Việt Nam đạt con số cao nhất về lượng khách và nguồn thu từ du lịch, trong đó khách quốc tế đạt mức kỷ lục với 18 triệu lượt, khách nội địa 85 triệu lượt. Tổng thu toàn ngành đạt 755 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 18,5%.
Số liệu từ Báo cáo thường niên du lịch 2019 của Tổng cục Du lịch cho thấy, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam là 1.074 USD/khách, đi du lịch Việt Nam trong 8,1 ngày, bình quân 132,6 USD/ngày. Thị trường xa có chi tiêu bình quân cho chuyến đi cao hơn do lưu trú dài ngày hơn, lần lượt là Nga (1.830 USD; 15,3 ngày), Anh (gần 1.716 USD; 14,5 ngày), Mỹ (1.571 USD; 12 ngày), Úc (1.542 USD; 12,25 ngày), Pháp (1.443 USD; 12,8 ngày).
Về khách nội địa, khách nghỉ đêm chi tiêu bình quân 5,563 triệu đồng/người, độ dài thời gian chuyến đi là 3,62 ngày, chi tiêu bình quân 1,537 triệu đồng/ngày.
Tuy nhiên, con số trên đã có nhiều thay đổi sau 3 năm, đặc biệt là khi xảy ra đại dịch Covid-19. Ngay trong dịp Tết Nguyên đán 2023, theo đánh giá ban đầu của Tổng cục Du lịch, tuy lượng khách nội địa đi du lịch tăng cao nhưng chủ yếu đi trong ngày, số ngày lưu trú thấp (1-2 ngày), phần lớn chọn ở khách sạn 3 sao, khiến tổng thu từ khách du lịch giảm. Con số ước đạt chỉ 17,5 nghìn tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ.
Một cuộc điều tra khác do Bộ VH-TT&DL chủ trì, sẽ tiến hành thu thập thông tin về khách nội địa nhằm phục vụ biên soạn chỉ tiêu thống kê quốc gia về lĩnh vực du lịch, đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ công tác quản lý, hoạch định chiến lược, quy hoạch vùng và chính sách phát triển du lịch của các cấp, các ngành.
Đối tượng điều tra là khách du lịch nội địa tại các khu, điểm du lịch trong nước.
Qua đó, thu thập các nhóm thông tin chung về nhân khẩu học (độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp… ); thông tin đặc điểm chuyến đi du lịch (hình thức tổ chức, phương tiện sử dụng, hình thức lưu trú,… ) và đánh giá của khách du lịch về cảnh quan thiên nhiên, môi trường, điều kiện vật chất, dịch vụ của khu, điểm du lịch,...