Thị trường smartphone tại Việt Nam một vài tháng gần đây khá ảm đạm. Nguồn cung hạn chế, nhu cầu giảm, khó khăn trong đi lại là những nguyên nhân khiến số lượng bán ra ít đi.
Loạt cửa hàng di động đóng cửa trong giai đoạn giãn cách tại TP.HCM. (Ảnh: Hải Đăng) |
Nói với ICTnews, một hãng trong top 3 tại Việt Nam cho biết, trung bình mỗi tháng thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 1 triệu smartphone, nhưng vào tháng 7 con số này chỉ còn hơn 500 ngàn chiếc.
Nguồn cung từ công ty mẹ về Việt Nam cũng hạn chế, hầu như không ra sản phẩm mới ở giai đoạn này. Dù nhập về ít nhưng tồn kho của hãng vẫn còn, do sức tiêu thụ giảm xuống.
“Người dân bớt chi tiêu vào điện thoại. Đồng thời các chính sách siết chặt giao hàng ở nhiều địa phương cũng khiến sản phẩm khó bán ra”, người này nói.
Một hãng khác cũng trong top 3 cho hay, đang duy trì và giữ thị trường ở các tỉnh chưa căng thẳng do dịch. “Chúng tôi đang tiết kiệm dòng tiền để khi mở cửa trở lại sẽ chạy các hoạt động bán hàng”, ông này chia sẻ.
Tình hình kinh doanh của các nhà bán lẻ vì thế cũng bị ảnh hưởng. Ông Phùng Ngọc Tuyên, Giám đốc ngành hãng viễn thông di động hệ thống Thế Giới Di Động thông tin, doanh số smartphone ở hệ thống này trong tháng 7 giảm khoảng 20% so với tháng 6, riêng tháng 8 giảm khoảng 26-30% so với tháng 7. Hệ thống này vẫn mở cửa bán tại một số địa phương chưa siết giãn cách, một số nơi bán online, một số khác ngưng hẳn.
“Riêng TP.HCM và Hà Nội nhu cầu mua hàng rất cao nhưng hầu như không giao được”, ông Tuyên nói với ICTnews.
Theo CellphoneS, giai đoạn tháng 7-tháng 8 hàng năm được coi là thấp điểm, doanh số thường chỉ đạt 60% so với trung bình. Năm nay ảnh hưởng bởi giãn cách và người dân hạn chế chi tiêu, sự sụt giảm lên tới 70-80%, riêng tại TP.HCM mức giảm trên 80%.
Mặc dù mảng smartphone gặp khó, những thiết bị phục vụ học tập và làm việc online có xu hướng tăng, đặc biệt vào cuối tháng 8, đầu tháng 9.
Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc ngành hàng viễn thông di động FPT Shop cho biết, sức mua laptop từ đầu tháng 8 tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, riêng tablet cũng tăng mạnh, chủ yếu do học sinh mua thiết bị học tập.
“Laptop tăng trưởng diễn ra trên tất cả các phân khúc giá tuỳ theo nhu cầu và điều kiện khác nhau của mỗi gia đình. Tuy nhiên tăng mạnh nhất ở dòng phổ thông 14-16 triệu, 16-20 triệu và 20-25 triệu. Máy tính bảng tăng mạnh ở phân khúc thấp, 3-4 triệu và 4-6 triệu, mức tăng gấp 5-6 lần”, ông Kha thông tin.
Trong giai đoạn này, laptop, máy tính bảng, tai nghe, loa, thiết bị nhà thông minh cũng bán chạy tại CellphoneS, trung bình tăng 2-4 lần so với cùng kỳ. Bên cạnh nhóm bán chạy gồm laptop phổ thông ở mức 10-15 triệu, hay iPad 10.2, Samsung Galaxy A7 Lite, một số dòng laptop cao cấp của Asus, Dell, HP cũng tăng 50% so với cùng kỳ.
Ông Phùng Ngọc Tuyên khẳng định nhu cầu về laptop tăng trưởng đều từ nhiều tháng nay, tuy nhiên nguồn cung từ hãng cũng hạn chế, do đó hàng về không nhiều. Bên cạnh đó, đại diện Thế Giới Di Động cho biết, những ngày đầu tháng 9 thị trường smartphone đang hồi phục dần trở lại.
“Trong tháng 8, mỗi ngày chúng tôi bán được khoảng 40 tỷ đồng ở mảng smartphone. Sang đầu tháng 9 mỗi ngày bán được 75-80 tỷ/ngày. Có vẻ nhiều gia đình không mua được laptop hay tablet nên tập trung mua điện thoại giá rẻ cho con em học trực tuyến”, ông Tuyên chia sẻ.
Hải Đăng
Thị trường smartphone Việt dự báo giảm tăng trưởng
Do tình trạng giãn cách để phòng dịch, thị trường smartphone dự báo sẽ giảm tăng trưởng trong nửa sau năm 2021.