Nhu cầu tìm mua máy tính xách tay để học online tăng cao khi nhiều địa phương áp dụng phương thức dạy trực tuyến. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các nhà bán lẻ lớn gặp nhiều khó khăn để cung cấp laptop đến tay người dùng.
Laptop bán chạy gấp vài lần năm 2020
“Ngành hàng máy tính xách tay tại hệ thống trong tháng 8 tăng 30% so với tháng 7 và gấp đôi so với cùng kỳ năm trước”, ông Hoàng Văn Dũng, Giám đốc ngành hàng laptop tại FPT Shop trả lời Zing.
Giai đoạn tựu trường là thời điểm người dùng tìm mua máy tính xách tay nhiều nhất trong năm do nhu cầu của tân sinh viên khi nhập học. Đặc biệt trong năm nay, do tình hình dịch bệnh phức tạp, các cấp học tại nhiều địa phương tổ chức học trực tuyến nên nhu cầu của thị trường cho mặt hàng này càng tăng cao so với mọi năm.
Nhu cầu tìm mua laptop ở phân khúc giá phổ thông để học trực tuyến tăng cao. Ảnh: Giang Nhật Minh. |
“Tại hệ thống, ngành hàng hàng máy tính xách tay và máy tính bảng đều tăng hơn 50% so với tháng trước vì nhu cầu học tập, làm việc tại nhà tăng cao. Đặc biệt là mảng laptop chiếm đến 50% tổng lượng sản phẩm bán ra của đại lý”, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối Viễn thông Di động Hệ thống FPT Shop chia sẻ.
Theo ông Kha, toàn bộ phân khúc laptop tại hệ thống đều tăng trưởng mạnh. Trong đó, nhu cầu của người dùng tập trung nhiều nhất ở các sản phẩm giá từ 14-25 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với đầu tháng 8.
Theo đại diện hệ thống Thế Giới Di Động, nhu cầu laptop của thị trường tăng rất mạnh từ nửa cuối tháng 8 cho đến đầu tháng 9. Riêng những ngày đầu tháng 9, lượng máy tính xách tay bán ra tại đại lý ở mức 200% so với cùng kỳ năm trước.
“Ngoài ra, nhu cầu laptop phân khúc tầm trung dưới 15 triệu đồng khá cao. Đặc biệt là các máy có giá dưới 10 triệu đồng gần như không còn hàng”, đại diện Thế Giới Di Động chia sẻ.
Tại các hệ thống bán lẻ máy tính và linh kiện, nhu cầu mua laptop vẫn cao hơn máy tính để bàn vì nếu trang bị máy để bàn, phụ huynh còn phải mua thêm các phụ kiện như webcam, màn hình, bàn phím hay tai nghe. Dù vậy, nhu cầu mua PC và các phụ kiện nói chung vẫn rất cao, đặc biệt là các mẫu webcam tầm thấp đã cháy hàng.
“Ảnh hưởng của khủng hoảng chip toàn cầu và khan hiếm RAM, kèm theo đó là chi phí vận chuyển tăng cao chính là những nguyên nhân dẫn đến việc giá mua laptop hay PC đắt đỏ hơn”, ông Đào Đức Tiến, đại diện một hệ thống bán lẻ máy tính và các linh kiện PC tại Hà Nội cho biết.
Nguồn hàng khan hiếm, vận chuyển khó khăn
Theo chia sẻ từ đại diện FPT Shop, dù đã có chuẩn bị từ sớm và cũng là đối tác lớn của nhiều thương hiệu laptop nhưng đơn vị này vẫn thiếu nguồn cung ở phân khúc giá dưới 10 triệu đồng.
Tại Thế Giới Di Động, hiện tượng khan hàng xảy ra ở các mẫu máy có giá dưới 15 triệu đồng. Nguyên nhân thiếu hụt hàng hóa được đại lý này chia sẻ là do ảnh hưởng bởi đại dịch, các công ty thiếu hụt nguồn cung linh kiện để sản xuất máy tính xách tay, nhất là ở phân khúc giá tầm trung.
Ngoài ra đại diện Thế Giới Di Động cũng cho biết chi phí vận chuyển sản phẩm từ Trung Quốc về Việt Nam tăng 300-500% trong thời gian dịch bệnh.
Giá các mẫu laptop phổ thông tăng cao do thiếu nguồn cung linh kiện. Ảnh: iGeekPhone. |
Bên cạnh đó, việc giao hàng trong giai đoạn này cũng gặp nhiều khó khăn tại tại các địa phương đang giãn cách xã hội.
“Việc giao hàng tại các tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 phải thông qua nhà vận chuyển chuyên nghiệp, tuân thủ đúng các quy định của chính quyền. Thời gian giao hàng kéo dài từ 7-21 ngày vì nhà vận chuyển quá tải, không đủ nhân sự đáp ứng cho nhu cầu mua sắm laptop nói riêng và các mặt hàng khác nói chung”, đại diện Thế Giới Di Động chia sẻ.
Tuy nhiên, Thế Giới Di Động cho biết vẫn ưu tiên chọn giao hàng với các đối tác vận chuyển nhanh nhất để sản phẩm có thể sớm đến tay người tiêu dùng.
Không có hệ thống đại lý rộng khắp các tỉnh như các chuỗi bán lẻ lớn, những cửa hàng kinh doanh laptop vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn trong mùa dịch.
“Nhu cầu tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba do gần sát đến năm học mới, các phụ huynh mới sắm sửa cho con em nhưng doanh số bán hàng vẫn giảm vì cửa hàng chỉ đáp ứng được phần nào cho hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh”, ông Đào Đức Tiến chia sẻ.
Việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn tại các địa phương đang giãn cách xã hội. Ảnh: A.H. |
Ngoài việc tìm mua laptop mới khó khăn, người dùng cũng không thể bảo hành khi máy tính xách tay gặp vấn đề. “Hiện nay, để đảm bảo tuân thủ an toàn giãn cách mùa dịch, ASUS tạm ngưng nhận hàng trực tiếp từ người dùng cuối tại Trung tâm bảo hành. Hãng sẽ cung cấp dịch vụ giao nhận hàng tại nhà thông qua đối tác vận chuyển ở những tỉnh thành được phép hoạt động”, ông Nguyễn Hoàng Chương, đại diện Asus Việt Nam trả lời Zing.
Đại diện Dell Việt Nam chia sẻ hãng đã tạm dừng các dịch vụ chăm sóc khách hàng tại TP.HCM. Công ty cho biết sẽ khôi phục công tác hỗ trợ khách hàng và bảo hành tại chỗ khi có sự cho phép của cơ quan chức năng.
(Theo Zing)
Khan hàng, giá laptop tăng theo ngày tại Việt Nam
Do ảnh hưởng của "cơn khát" chip trên toàn cầu và sự bùng phát của dịch Covid-19, nhiều hệ thống bán lẻ đã buộc phải điều chỉnh giá bán của hàng loạt mẫu laptop.