Tham dự diễn đàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy, lãnh đạo Báo VietNamNet gồm Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bá và Phó Tổng Biên tập Lê Thế Vinh.
Mở đầu phiên thảo luận đầu tiên, ông Lê Quốc Minh gợi mở 4 nhóm vấn đề, trong đó nhấn mạnh về thực tế việc thực hiện truyền thông chính sách trong thời gian qua, những bước tiến và những mặt hạn chế còn tồn tại.
Đồng thời, đặt ra câu hỏi tại sao trong bối cảnh hiện nay, cần phải coi trọng và nâng cao hơn nữa hiệu quả của truyền thông chính sách; vai trò, sự cần thiết của báo chí trong việc tham gia hoàn thiện chính sách là gì.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, để có thể giúp cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách, hai bên cùng bắt tay với nhau để thực hiện việc chung và đều tìm được cái mình mong đợi.
Ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh việc cần phải cải thiện mối quan hệ về cả cơ chế, chính sách và kinh tế giữa báo chí và cơ quan chủ quản.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, hầu hết cơ quan báo chí hiện tại không nhận được sự hỗ trợ về tài chính.
Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, nước ta có hơn 800 cơ quan báo chí nhưng thực ra tạp chí có chức năng riêng.
Hiện chỉ còn khoảng gần 200 cơ quan báo chí thực sự làm công tác truyền thông chính sách. Ông Lâm lưu ý các cơ quan báo chí cần phải khách quan, giữ tinh thần phản biện nhưng vẫn phải có tinh thần xây dựng như yêu cầu của Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Tuy nhiên, theo ông, gần đây đã xảy ra những vụ việc đáng tiếc khi có một số bài báo có tác động tiêu cực tới sự phát triển chung, cũng như gây ra những hiểu nhầm của người dân về một số chính sách ở một số địa phương.
Diễn đàn tổng biên tập là hoạt động thường niên, được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Diễn đàn năm nay với chủ đề truyền thông chính sách, góc nhìn từ các cơ quan báo chí gồm 2 phiên thảo luận.
Phiên thứ nhất có chủ đề báo chí - cánh tay nối dài của truyền thông chính sách. Phiên thứ hai có chủ đề cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện truyền thông chính sách.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ, trao đổi, thống nhất một số giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong công tác thực hiện truyền thông chính sách của báo chí, để truyền thông thực sự là nguồn lực quan trọng, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách.