Le Violon d’Ingres ra mắt công chúng trong ấn bản đặc biệt tháng 6/1924 của tạp chí Littérature. Kể từ đó, bức ảnh này được đánh giá là một trong những tác phẩm nghệ thuật siêu thực được biết tới nhiều nhất.
Gần 100 năm sau, bức ảnh nude được nhà đấu giá Christie’s chào bán với khởi điểm 5 triệu USD vào năm 2022. Theo Art News, chỉ sau 10 phút, giá của tác phẩm tăng lên gấp đôi. Giá gõ búa cuối cùng là 12,4 triệu USD, vượt quá kỳ vọng của người bán, trở thành bức ảnh đắt nhất thế giới. Chủ sở hữu trước đó là 2 nhà sưu tập người Mỹ - Rosalind Gersten Jacobs và Melvin Jacobs, đã mua trực tiếp bức ảnh từ tác giả năm 1962.
Điểm nhấn từ 2 lỗ f
Bức ảnh ban đầu chụp Kiki de Montparnasse để lộ lưng trần, chỉ đội một chiếc khăn xếp, chưa có 2 chữ f đặc biệt gợi nhớ tới lỗ f của nhạc cụ dây (violin, cello).
Theo Peta Pixel, Man Ray vẽ lỗ f trên bản in và sau đó chụp lại để tạo ra bức ảnh cuối cùng. Trong khi đó, theo Smithsonian, Man Ray sử dụng kỹ thuật rayograph (đặt vật thể lên một loại giấy đặc biệt và phơi dưới ánh sáng để tạo ra ảnh) để hình thành lỗ f.
Tên bức ảnh là một thành ngữ phổ biến của Pháp, le violon d'Ingres (cây vĩ cầm của Ingres) có nghĩa là "sở thích", bắt nguồn từ câu chuyện họa sĩ Jean-Auguste-Dominique Ingres thường chơi đàn violin để thư giãn khi ông không vẽ. Man Ray ngưỡng mộ tài năng của Ingres và lấy cảm hứng từ bức tranh The Valpincon Bather (1808) của họa sĩ người Pháp để sáng tác bức ảnh triệu đô.
Tác phẩm cũng là lời tri ân với Ingres - người không chỉ muốn công nhận tài năng hội họa mà còn cả khả năng chơi đàn violin. Man Ray cũng vậy. Nghệ sĩ nhiếp ảnh người Mỹ cũng muốn được biết tới là họa sĩ. Đối với ông, nhiếp ảnh đơn giản chỉ là một phương tiện để thể hiện ý tưởng.
Tiêu đề ảnh cho thấy Man Ray muốn mô tả thân hình của người mẫu giống một nhạc cụ và cô cũng là “sở thích” của ông.
Nhiếp ảnh gia người Mỹ Kirsten Hoving Powell đánh giá: "Le Violon d'Ingres là một bức ảnh phức tạp thể hiện sự ngưỡng mộ của Man Ray đối với Ingres cũng như mong muốn chế giễu nghệ thuật truyền thống. Sự bóp méo và biến dạng cơ thể người mẫu của Man Ray liên quan đến các khái niệm siêu thực”.
Trong loạt ảnh hôm đó, Man Ray còn có một bức khác mang tên Étude pour Le Violon d'Ingres chụp Kiki góc nghiêng lộ rõ mặt và ngực.
Nàng thơ tài sắc vẹn toàn
Không lâu sau khi chuyển đến Paris (Pháp) vào năm 1921, Man Ray gặp và yêu say đắm người mẫu - nghệ sĩ biểu diễn Alice Prin còn được gọi là Kiki de Montparnasse.
Theo Literary Hub, vào thời điểm chụp bức ảnh Le Violon d'Ingres, Kiki mới 22 tuổi. Cô và Man Ray đã sống cùng nhau ở Paris được 3 năm. Người đẹp thậm chí còn nổi tiếng hơn cả Man Ray. Cô là ca sĩ, diễn viên và cũng là một họa sĩ có triển lãm cá nhân bán hết sạch tranh và được đánh giá cao. Trong khi đó, Man Ray - người coi việc vẽ tranh của Kiki chỉ là thú vui, đã không bán được một tác phẩm nào trong lần ra mắt ở Paris.
Không chỉ là nàng thơ cho Man Ray, Kiki còn là người mẫu cho họa sĩ trứ danh Amedeo Modigliani và các nghệ sĩ khác như: Moïse Kisling, Alexander Calder, Tsuguharu Foujita.
Nhưng có lẽ cô nổi tiếng nhất với cuốn hồi ký ghi lại cuộc sống xa hoa ở Montparnasse và cộng đồng nghệ thuật tự do của chốn này. “Người dân Paris xếp hàng dài để có được bản sao có chữ ký và một nụ hôn”, tờ New York Times viết.
Thậm chí, nhà văn Ernest Hemingway cũng khen Kiki có lời văn nhẹ nhàng, cách phác họa nhân vật sắc sảo. Ông cho rằng Kiki rất giỏi trong việc biến những nguyên liệu thô của cuộc đời cô thành một câu chuyện thú vị.