Họa sĩ ghét tất cả mọi thứ liên quan tới tranh: màu sắc, con người, bố cục và ánh sáng. Các chi tiết khiến ông phát điên. Vài tháng sau khi hoàn thành tác phẩm này, Van Gogh đã cắt tai mình.
Chỉ cần liếc mắt qua, bạn có thể cảm nhận được bức tranh khá chói mắt, đặc biệt khi so sánh với những khung cảnh quán cà phê khác ở Arles (Pháp) mà Van Gogh từng vẽ.
Với bức Cà phê vỉa hè trong đêm, họa sĩ đã ghi lại hình ảnh lãng mạn của quán cà phê châu Âu vào những đêm hè - nơi mọi người trò chuyện, cười đùa. Bầu trời sao xanh thẫm, ánh đèn cam vàng lan tỏa khắp vỉa hè, con đường rải sỏi cuội ánh tím hồng.
Trong khi đó, bức Quán cà phê đêm lại khuấy động nỗi lo lắng. Nếu không gian bên ngoài là giấc mộng đẹp rộn rã tiếng cười thì bên trong là cơn ác mộng, dễ khiến con người nổi loạn, tự hủy hoại bản thân, gây hại cho người khác.
Van Gogh đã sử dụng màu sắc để tái hiện không gian bức bối của quán bar dành cho tầng lớp bình dân sau nửa đêm.
Điểm đặc biệt nhất của bức tranh là những bức tường màu đỏ nằm ngay dưới trần nhà màu xanh lá. Đỏ - xanh lá là một trong ba cặp màu bổ sung nhau trên vòng tuần hoàn màu sắc truyền thống tạo nên độ tương phản cao, thậm chí nhức mắt.
Van Gogh viết cho em trai: “Anh cố gắng thể hiện niềm đam mê dữ dội của con người bằng màu đỏ và màu xanh lá… Đâu đâu cũng là sự đối chọi của các sắc xanh lá và đỏ… Anh muốn đưa ra ý tưởng rằng quán cà phê là nơi mọi người có thể hủy hoại bản thân, phát điên và phạm tội”.
Bức tranh miêu tả Café de la Gare, nơi Van Gogh thường uống rượu vào buổi tối cùng với bạn của ông là người đưa thư Joseph Roulin. Họa sĩ cũng ở đó từ tháng 5 đến tháng 9/1888 trong phòng ngủ nhỏ phía trên quán.
Nơi đây mở cửa suốt đêm để những ai đi lang thang, quá say hoặc không đủ tiền thuê trọ có thể nương náu.
Tháng 5/1887, người đàn ông tên Jean-Pierre Fabre cắt cổ tự tử tại đây. Tháng 5/1889, 2 đấu sĩ cãi vã dữ dội và bị thương nặng sau một trận đánh nhau trong quán.
Van Gogh kể rằng ông đã thức 3 đêm và ngủ bù vào ban ngày để ghi lại bầu không khí về đêm của quán.
Nhìn từ trên cao, bàn billiard để lại bóng đen là sân khấu trung tâm. Chủ quán cà phê Joseph-Michel Ginoux đứng gần đó trong chiếc áo khoác trắng. Ở các góc phòng là những bộ bàn ghế cùng với 5 vị khách đang say sưa. Một ô cửa ở phía xa có lẽ dẫn đến nhà bếp và cầu thang lên phòng ngủ của Van Gogh. Đồng hồ phía trên quầy chất đầy đồ đã điểm quá nửa đêm.
Ở cuối phòng, một cặp đôi đang cùng nhâm nhi chai rượu trong khi 3 người đàn ông gục mặt xuống. Người ở ngoài cùng bên phải đội chiếc mũ rơm màu vàng, có lẽ là hình ảnh của nghệ sĩ.
Năm 1908, bức Quán cà phê đêm được góa phụ Jo Bonger (em dâu Van Gogh) bán cho nhà sưu tập người Nga Ivan Abramovich Morozov. 11 năm sau đó, bức tranh bị chính quyền tịch thu. Năm 1933, nhà sưu tập người Mỹ Stephen Clark mua tác phẩm và để lại di sản cho Phòng trưng bày Nghệ thuật thuộc Đại học Yale vào năm 1961.
Đầu những năm 1900, Café de la Gare được nâng cấp thành khách sạn Terminus bao gồm quán cà phê và nhà hàng. Tòa nhà sau đó bị hư hại nặng sau một vụ đánh bom vào năm 1944. Công trình được xây dựng lại sau chiến tranh nhưng bị phá hủy vào những năm 1960.