Theo ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương, thời gian qua, Sở luôn quan tâm tăng cường tin học hóa toàn diện các hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành tài nguyên và môi trường. Từ đó, giúp tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động gắn với quá trình cải cách hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành. 

Đến nay, 100% thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 trở lên, trong đó có 58 thủ tục cung cấp mức 4, thời gian thực hiện một số thủ tục đã giảm từ 1 đến 5 ngày so với quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường còn chú trọng thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu với nhiều dự án nhằm thiết lập một hệ thống thông tin thống nhất và xuyên suốt. 

Trong đó, tập trung triển khai các cơ sở dữ liệu mang tính nền tảng, nhu cầu khai thác sử dụng lớn như: Cơ sở dữ liệu nền địa lý và cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng từ năm 2010, đưa Bình Dương là tỉnh đầu tiên hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đồng bộ, được cập nhật thường xuyên, liên tục cho tất cả 91/91 xã, phường và thị trấn, làm cơ sở hướng tới mục tiêu tích hợp và chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cấp, các ngành.

Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương tăng cường tin học hóa toàn diện các hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành.

Việc kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu cũng được Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương triển khai theo lộ trình của địa phương và Trung ương. 

Đến nay, đã thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai và dữ liệu quan trắc tự động với hệ thống Cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường còn chia sẻ công khai, minh bạch dữ liệu tài nguyên và môi trường đến với cộng đồng thông qua Trang thông tin điện tử của sở, Trung tâm IOC Bình Dương.

Ngoài ra, các cơ sở dữ liệu về thẩm định môi trường, về cấp phép nước mặt, cấp phép xả nước thải vào nguồn nước, cơ sở dữ liệu sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước, cơ sở dữ liệu tài nguyên khoáng sản… trên địa bàn tỉnh cũng được Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương triển khai xây dựng và cập nhật thường xuyên. Từ đó, giúp công tác tham mưu, quản lý, chỉ đạo, điều hành của Sở Tài nguyên và Môi trường ngày càng hiệu quả.  

Để đảm bảo triển khai thực hiện chuyển đổi số của ngành tài nguyên và môi trường phục vụ xây Thành phố thông minh Bình Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương tăng cường phổ biến, tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, tác dụng của việc kết nối liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cũng tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong ngành tài nguyên và môi trường Bình Dương, như ứng dụng các công nghệ về Internet vạn vật (IoT), thị giác máy tính (Computer vision), xử lý ảnh (Image processing)… phục vụ thu nhận, truyền dẫn, xử lý thông minh trong quan trắc, điều tra, thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường.

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cũng sẽ tập trung ứng dụng các giải pháp, công nghệ mới về tài nguyên và môi trường, như dữ liệu lớn (Big data), kho dữ liệu (Data Warehouse), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo để lưu trữ, khai phá, phân tích dữ liệu bảo đảm an toàn, an ninh phục vụ yêu cầu quản trị, quản lý, sử dụng, khai thác thông tin, dữ liệu và giải quyết các bài toán phức tạp của ngành tài nguyên và môi trường.

Để đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu trong quá trình truyền, nhận, tích hợp dữ liệu, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương tiếp tục triển khai thực hiện biện pháp kỹ thuật mã hóa đường truyền thông tin dữ liệu đối với các dữ liệu mật, nhạy cảm theo quy định tại Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn trong quá trình triển khai kế hoạch. Đồng thời, triển khai các giải pháp bảo đảm tích hợp, kết nối dữ liệu từ nhiều nguồn, trên các nền tảng kết nối, liên thông các cơ quan, đơn vị phù hợp với đặc trưng của từng loại thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường.

Tăng cường đào tạo, đào tạo lại về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng các nhiệm vụ thiết lập, xây dựng, quản lý, duy trì và vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường...

Thanh Nhật