Chuyển đổi số có tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Hà Tĩnh.

Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 424/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025” với mục tiêu chuyển đổi số hướng đến thực hiện mục tiêu toàn diện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, thực hiện thành công Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, trọng tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số; gắn quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp. Góp phần đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh có kinh tế phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, chính trị ổn định.

Với 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, Hà Tĩnh đang thực hiện công cuộc chuyển đổi số một cách đồng bộ, toàn diện. Trong đó, một trong những thước đo của quá trình chuyển đổi số là xây dựng chính quyền số.

Hiện nay, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ cao ở Hà Tĩnh có nhiều chuyển biến tích cực, 6 tháng đầu năm nay đạt 53%.

Hà Tĩnh đang thực hiện công cuộc chuyển đổi số một cách đồng bộ, toàn diện.

Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Tùng Phong cho hay, tỉnh đã thực hiện liên thông hệ thống Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với hệ thống quốc gia (người dân có thể sử dụng tài khoản chung để giao dịch). Bên cạnh đó, đã tích hợp hệ thống thanh toán trực tuyến.

Theo Quyết định số 1656/QĐ-UBND ngày 15/8/2022 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc ban hành danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay có 496 thủ tục hành chính cấp tỉnh, 131 thủ tục cấp huyện và 67 thủ tục cấp xã, phường đủ điều kiện đạt mức độ toàn trình (việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều trên môi trường mạng, việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích).

Nhiều ban, ngành đạt tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến cao như Sở Thông tin và Truyền thông đạt 100%, Sở Công Thương đạt 99,15%, các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt trên 85%...

Bên cạnh đó, số lượng hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước) đạt tỷ lệ 100%. Nhiều đơn vị, địa phương cũng đang triển khai thực hiện “phòng họp không giấy tờ”, các, văn bản, tài liệu sẽ được cung cấp trên môi trường mạng…

Về kinh tế số, Hà Tĩnh đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Điều này giúp người dân, các cơ sở sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.

Đặc biệt, Hà Tĩnh cũng đang thúc đẩy ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo nhanh chóng, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, chuyển đổi số trong quản lý để có chính sách, điều hành kịp thời như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch… 

Ngoài ra, một số địa phương đang triển khai thí điểm xây dựng khu dân cư thông minh kết nối từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và để cộng đồng trong thôn chia sẻ kinh nghiệm cũng như giám sát lẫn nhau việc thực hiện quy trình sản xuất, vệ sinh môi trường.

Đến tháng 10/2022, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã thí điểm thành lập 59 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, 133 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp thôn.

Trưởng Phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh Lê Văn Dũng cho biết, sắp tới tỉnh Hà Tĩnh sẽ đồng loạt triển khai chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia bao gồm: phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao cộng đồng với tinh thần “Khỏe trong môi trường thực để khỏe trong môi trường số”. Tổ chức các hoạt động khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ số. Thúc đẩy mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử; thúc đẩy sử dụng ngân hàng số...

Hải Minh