Trong email nội bộ, BlueFocus cho biết sẽ cắt một số chi phí thuê ngoài ngay lập tức, bao gồm nhân viên thiết kế, sáng tạo nội dung để “theo đuổi hoàn toàn AI tạo sinh”.
BlueFocus đứng thứ 11 trong các doanh nghiệp quan hệ công chúng thế giới trong năm 2022. Công ty bắt đầu đặt cược lớn vào AI từ khi Microsoft trở thành khách hàng năm nay. Microsoft lại là nhà đầu tư lớn vào OpenAI, nhà phát triển chatbot ChatGPT.
Đầu tuần này, BlueFocus tiết lộ đã truy cập ChatGPT qua dịch vụ đám mây của Microsoft và tìm hiểu về khả năng của công cụ tìm kiếm Bing AI. Ngoài ra, hãng cũng nghiên cứu các công cụ tương tự ChatGPT của Trung Quốc, bao gồm Ernie Bot của Baidu, để dùng trong việc xây dựng nhân vật ảo và công việc tiếp thị kỹ thuật số khác. Họ còn đăng ký sử dụng chatbot Qianwen AI mà Alibaba vừa ra mắt.
Sau khi phát hành tháng 11/2022, ChatGPT gây sốt trên toàn cầu nhờ khả năng phản hồi nhanh chóng trước nhiều loại câu hỏi, nhưng cũng gây lo ngại liên quan đến việc làm trong nhiều ngành nghề. Trong nghiên cứu tháng trước, OpenAI phát hiện ít nhất 10% công việc của gần 80% lực lượng lao động Mỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi AI tạo sinh.
Các nhà kinh tế học của Goldman Sachs dự đoán công nghệ tương tự ChatGPT có thể thay thế tối đa 1/4 công việc hiện nay, đặc biệt trong hành chính văn phòng và pháp lý. Một số nền kinh tế lớn bắt đầu tìm cách quản lý AI tạo sinh do tác động tiềm tàng đến xã hội và đạo đức.
Mới đây, Bộ thương mại Mỹ cho biết sẽ lấy ý kiến công chúng về cách tiếp cận đối với các công cụ AI mới, còn EU cũng đang bàn về Đạo luật AI, được đề xuất lần đầu năm 2021, để quản lý việc sử dụng các sản phẩm AI dựa theo cấp độ rủi ro.
Đầu tháng này, Italy trở thành nước đầu tiên cấm ChatGPT vì lo ngại bảo mật. Dù vậy, nước này mới đưa ra danh sách các yêu cầu để ChatGPT tuân thủ.
Nhà chức trách Trung Quốc vừa soạn thảo quy định để kiềm chế sự phát triển nhanh chóng của AI tạo sinh, yêu cầu các nhà phát triển phải thông qua bài đánh giá bảo mật trước khi phát hành sản phẩm cho công chúng.
(Theo SCMP)