Những năm qua, công tác này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; đồng thời, cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần tiếp tục được đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tình cảm đặc biệt. Cách đây 77 năm, trong bức thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, tỉnh Gia Lai, ngày 19-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”(1). Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình thương yêu nhân dân, thương yêu con người, tin tưởng ở sức mạnh đoàn kết của nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân là quan điểm bao trùm. Ngày 30-11-1968, trong Điện gửi đồng bào, chiến sĩ và cán bộ Tây Nguyên, Bác khen ngợi: “Quân và dân Tây Nguyên, già trẻ, gái trai, Kinh, Thượng đoàn kết một lòng, luôn luôn nêu cao truyền thống anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thi đua diệt giặc, lập công, giữ gìn buôn rẫy, thu được những thành tích to lớn, cùng đồng bào cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”(2). Người căn dặn: “Đồng bào và chiến sĩ Tây Nguyên đã đoàn kết càng phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, cố gắng không ngừng, phát huy mạnh mẽ thắng lợi đã giành được, luôn luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của địch, ra sức củng cố và phát triển vùng giải phóng và phục vụ tiền tuyến”(3). Theo Người: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(4). Kế thừa giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, chủ trương nhất quán của Đảng ta là phát huy, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên cơ sở bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Đây là luận điểm quan trọng, xuyên suốt, thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy đổi mới của Đảng.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đồng bào dân tộc thôn Đăk Mút, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Ảnh: TTXVN

Phát huy truyền thống đại đoàn kết, huy động sức mạnh của toàn dân tộc là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, là nội dung cốt lõi của công tác dân vận trong tình hình mới. Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003, của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX “Về công tác dân tộc”, nêu rõ: Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức đảng... Các dân tộc thiểu số thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; chống kỳ thị, hẹp hòi, chia rẽ dân tộc. Nghị quyết khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam... Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị”. Các quan điểm trên được tiếp tục khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011): “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển... Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(5). Quyết định số 1719-QĐ/TTg, ngày 14-10-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025” xác định: Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước;... củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước. Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3-6-2015, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI, “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” nhấn mạnh: Hệ thống tổ chức Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội được kiện toàn, củng cố, đổi mới phương thức hoạt động; giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Công tác dân vận thời gian qua đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, bảo đảm quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Những kết quả đạt được

Khu vực Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, rộng 54.508,3km2, chiếm 16,51% diện tích cả nước(6); là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Do vậy, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các dân tộc ở Tây Nguyên được xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Đảng, Nhà nước ta trong mọi thời kỳ cách mạng. Xác định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc ở Tây Nguyên, thời gian qua, Ban Dân vận Trung ương thường xuyên tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, công tác dân tộc, tôn giáo; đặc biệt, đã tham mưu chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên, xử lý dứt điểm các vụ bạo loạn chính trị ở Tây Nguyên (năm 2001 và 2004), kiên quyết không để phục hồi tổ chức phản động Fulro, “Tin lành Đề Ga”, đấu tranh xóa bỏ các “tà đạo”, “đạo lạ” trên địa bàn; tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Phối hợp tham mưu xây dựng các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham mưu sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết liên quan đến công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Ban Dân vận Trung ương thường xuyên phối hợp với các cơ quan, cấp ủy, chính quyền địa phương để tham mưu, hướng dẫn và triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, thực hiện chiến lược đoàn kết các dân tộc ở Tây Nguyên. Trong các nhiệm kỳ gần đây, Ban Dân vận Trung ương và Ủy ban Dân tộc đã ký kết và thực hiện các chương trình phối hợp, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến công tác đoàn kết dân tộc; ngoài ra, phối hợp với Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đoàn và các tổ chức chính trị  - xã hội, các hội quần chúng, lực lượng vũ trang trong việc thực hiện chiến lược đoàn kết các dân tộc, thực hiện tốt công tác dân vận của hệ thống chính trị. Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19-6-2020, của Quốc hội, “Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế  - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” thể hiện vai trò tham mưu của Ban Dân vận Trung ương, trong đó có sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, của các ban, bộ, ngành và các địa phương. Xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ là phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, thời gian qua, công tác dân vận ở Tây Nguyên đạt được nhiều kết quả quan trọng.

 Bộ đội Biên phòng Đồn Biên phòng Yok Đôn thăm hỏi, khám bệnh, cấp phát thuốc cho gia đình người có công với cách mạng ở huyện biên giới Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN


Tỉnh ủy Gia Lai và Tỉnh ủy Kon Tum triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”. Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 8-10-2018, “Về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 16-2-2022, “Về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cấp ủy, chính quyền cùng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ở Tây Nguyên luôn chú trọng công tác phòng, chống dịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huy động sự tham gia của người dân với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”,... góp phần ngăn chặn và sớm đẩy lùi dịch bệnh. Các nghị quyết, chỉ thị, chuyên đề bám sát thực tế, đi vào cuộc sống, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống, củng cố và tăng cường khối đoàn kết dân tộc.

Các địa phương chủ động ban hành và triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, như chương trình hành động thực hiện công tác dân tộc; chính sách đầu tư phát triển bền vững bon, buôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng đề án về nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu số; đề án bảo tồn và phát huy lễ hội - hoa văn - cồng chiêng và nhạc cụ dân gian của dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn sản xuất, kinh doanh; triển khai xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Làm tốt công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ đối với cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo là người dân tộc thiểu số có năng lực, trình độ, trí tuệ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; tăng thời lượng và nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với di tích lịch sử ở từng vùng, từng địa phương; đầu tư, sửa chữa các di tích tương xứng với giá trị lịch sử và văn hóa dân tộc. Chú trọng nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, tăng cường cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt đến công tác ở địa bàn dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; vận động quần chúng nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ngăn chặn âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc thông qua “diễn biến hòa bình”, “cách mạng màu”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lừa gạt, lôi kéo, kích động đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh Tây Nguyên ở mức khá, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của tỉnh Đắk Lắk là 9,13%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,87%/năm; tỷ lệ này ở tỉnh Kon Tum lần lượt là 9,7% và 4,05%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của tỉnh Gia Lai là 7,93%/năm, tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% (năm 2015) giảm còn dưới 4,5% (năm 2020), tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ 40,1% giảm còn dưới 6,25%. Tại tỉnh Đắk Nông, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,02%/năm, tỷ lệ hộ nghèo (năm 2020) giảm 12,28% so với năm 2016; tỉnh Lâm Đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng 8,0%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, toàn tỉnh hiện còn 1,75%.

Các tỉnh khu vực Tây Nguyên thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ để phát triển giáo dục nói chung và phát triển giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, như chính sách miễn, giảm học phí các trường dân tộc nội trú, hỗ trợ gạo cho học sinh bán trú và học sinh dân tộc thiểu số ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên cộng điểm cho học sinh dân tộc thiểu số khi thi tuyển đại học, cao đẳng... Chủ động nghiên cứu, triển khai nhiều chương trình, đề án hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số mang tính đặc thù của từng địa phương nhằm phát triển giáo dục, như chính sách hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số; nghị quyết về việc ban hành chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; tỉnh Đắk Lắk thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, thực hiện chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo... Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao được quan tâm đầu tư. Nhiều giá trị văn hóa của các dân tộc được khôi phục, bảo tồn và phát huy. Nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số được tôn trọng và bảo đảm thực hiện theo các quy định của pháp luật.

Đa số các địa phương trong khu vực chú trọng công tác đào tạo, sử dụng và bố trí cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây, nhiều tỉnh trong khu vực có đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và một số vị trí lãnh đạo chủ chốt là người dân tộc thiểu số. Các đại biểu dân cử là người đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có những đóng góp quan trọng cho hoạt động của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, kịp thời phản ánh tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng.

Nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo được các địa phương triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần củng cố và tăng cường khối đoàn kết các dân tộc ở Tây Nguyên, như việc tổ chức và hoạt động của các tổ, đội phát động quần chúng ở tỉnh Đắk Lắk; mô hình công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai. Các tỉnh trong vùng đã tăng cường công tác vận động đồng bào các dân tộc thực hiện phương châm: “tỉnh bám xã - huyện bám buôn, làng - xã bám sát từng hộ dân”. Tỉnh Gia Lai có nghị quyết phân công 47 ban, sở, ngành, Mặt trận, đoàn thể tỉnh phụ trách xã trọng điểm; phân công 429 cơ quan, phòng, ban của huyện phụ trách làng; phân công 98 doanh nghiệp nhà nước đóng trên địa bàn của tỉnh tham gia giúp đỡ các xã phát triển kinh tế - xã hội chậm. Các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Kon Tum trong thời điểm tình hình chính trị phức tạp đã cử hàng trăm cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ là người Kinh biết tiếng dân tộc thiểu số có kinh nghiệm tham gia công tác vận động quần chúng...

Trong những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” vùng đồng bào các dân tộc thiểu số được các cấp, ngành ở các tỉnh Tây Nguyên triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các điển hình “Dân vận khéo” thật sự là tấm gương tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động người dân đóng góp xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; là những điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chiến lược đoàn kết các dân tộc. Lực lượng vũ trang có các mô hình hay trong việc tăng cường khối đoàn kết dân tộc, tương trợ, giúp đỡ nhau, như mô hình “Gắn kết hộ” giữa công nhân người Kinh của Binh đoàn 15 với đồng bào các dân tộc thiểu số ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Có thể khẳng định, công tác dân vận đã góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc ở khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, công tác dân vận trong chiến lược đoàn kết các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên có lúc, có nơi vẫn còn những bất cập, hạn chế nhất định: 1- Một số địa phương chưa đưa công tác dân vận vào công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 2- Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức rõ, đầy đủ về ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 3- Công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện giữa các cấp, các ngành chưa đồng bộ, nhiều lúc còn mang tính hình thức; 4- Nội dung, phương thức công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số chậm được đổi mới; 5- Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở cơ sở còn hạn chế về năng lực; công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chưa được coi trọng và tổ chức thường xuyên; 6- Một số nơi cán bộ, hệ thống chính trị không nắm bắt được tư tưởng, tình hình nhân dân, không tập hợp được quần chúng, dẫn đến một số thế lực thù địch lợi dụng kích động vượt biên trái phép, gây mất an ninh, trật tự, khiếu kiện đông người vượt cấp, tổ chức sinh hoạt đạo trái phép...

 Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai trao đổi với đồng bào dân tộc về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Ảnh: TTXVN

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong thời gian tới

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong chiến lược đại đoàn kết các dân tộc ở Tây Nguyên, các cấp, các ngành cùng hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiên cứu, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chuyên đề liên quan đến công tác dân vận, công tác đoàn kết dân tộc, tôn giáo phù hợp. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng nâng cao năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng liên quan đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phù hợp với tình hình mới; bảo đảm các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến đời sống nhân dân phải sát thực tiễn, khả thi và hiệu quả cao. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát và sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết liên quan. Gắn việc thực hiện nghị quyết đảng bộ các địa phương với các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo và việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở Tây Nguyên.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của công tác dân vận trong tình hình mới, đặc biệt là vai trò của công tác dân vận trong việc thực hiện chiến lược đại đoàn kết các dân tộc ở Tây Nguyên. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội vào công tác tuyên truyền. Thường xuyên tập huấn, nâng cao nhận thức công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là ở cơ sở. Kịp thời phát hiện, tuyên dương gương người tốt, việc tốt, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong việc thực hiện đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên.

Đẩy mạnh công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước và thực hiện dân chủ ở cơ sở; cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” vào thực tế cuộc sống, nhất là trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án có liên quan trực tiếp đến người dân ở Tây Nguyên. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng. Tăng cường công tác dân vận trong lực lượng vũ trang ở khu vực Tây Nguyên.

Ba là, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực Tây Nguyên thực sự trong sạch, vững mạnh. Việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở không phải là công việc của riêng ai, mà là trách nhiệm của cả nước, trực tiếp là các tỉnh Tây Nguyên. Công tác dân vận phải trực tiếp tham gia hoặc phối hợp tham mưu, hướng dẫn, thẩm định các nội dung liên quan trực tiếp đến người dân, quan tâm việc xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức thành viên của hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức giải quyết kịp thời mọi vấn đề phát sinh từ cơ sở.

Bốn là, nâng cao chất lượng phối hợp thực hiện công tác dân vận, công tác dân tộc, công tác tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào theo đạo. Nội dung cốt lõi của công tác dân tộc, tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Công tác dân vận phải tập trung vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Phải xác định việc phát triển Tây Nguyên bền vững, đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên là trách nhiệm của hệ thống chính trị. Công tác dân vận trong chiến lược đoàn kết các dân tộc ở Tây Nguyên không chỉ là tuyên truyền, vận động chung chung, mà cần đi vào các vấn đề cụ thể, giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tế, từ cơ sở. Xác định rõ công tác dân vận không phải làm theo kỳ cuộc, theo đợt vận động, khi có việc mới làm, mà phải là công việc thường xuyên, hằng ngày, chủ động. Trong đó, cần tập trung phát triển sản xuất, đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số: Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt và tranh chấp, khiếu kiện về đất đai; đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án định canh, định cư gắn với quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân cư, hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng di cư tự phát trong đồng bào dân tộc thiểu số. Khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển, ý thức tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, bình đẳng, tương trợ cùng phát triển.

Năm là, nâng cao vai trò tham mưu của đội ngũ làm công tác dân vận, trực tiếp là Ban Dân vận các cấp. Trong thời điểm hiện nay, Ban Dân vận các cấp trong khu vực cần chủ động, chủ trì và phối hợp tham mưu cho cấp ủy tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới”, trong đó trọng tâm là lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021  - 2030 và các chương trình mục tiêu quốc gia khác trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Thường xuyên nắm tình hình, khảo sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách dân tộc, định kỳ tham mưu cho cấp ủy sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhằm phát huy các kết quả đạt được, chấn chỉnh kịp thời các hạn chế, yếu kém  trong việc thực hiện chiến lược đoàn kết dân tộc.

Sáu là, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác dân tộc. “Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”(7).

Đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm nghiên cứu ban hành Luật Dân tộc và các nghị định, hướng dẫn liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc thực hiện công tác dân tộc nói chung, công tác đoàn kết dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên nói riêng. Rà soát các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số để sửa đổi, bổ sung kịp thời. Quan tâm xây dựng bộ máy làm công tác dân tộc, tôn giáo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương./.

---------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 249
(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 520, 521
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 234
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.  I, tr. 170 - 171
(6) Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê năm 2020, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2021, tr. 94
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 170

PHẠM TẤT THẮNG - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương

Theo Tạp chí Cộng sản