Tây Nguyên gồm 5 đơn vị hành chính cấp tỉnh1, với diện tích 54.451,5km2, có đường biên giới với Lào và Cam-pu-chia; trên địa bàn có 54 dân tộc cùng sinh sống, dân số khoảng 5,7 triệu người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 33%. Địa bàn Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là một trong những trọng điểm các thế lực thù địch tập trung chống phá trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn, ly khai. Âm mưu cơ bản, lâu dài của chúng là tuyên truyền, lôi kéo, kích động đồng bào các dân tộc đòi ly khai, tự trị, thành lập cái gọi là “Nhà nước Đêga” hoặc “Nhà nước Đêga Mông-ta-nha” ở Đông Dương, tách Tây Nguyên ra khỏi đại gia đình các dân tộc và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; biến địa bàn Tây Nguyên thành khu vực mất ổn định, vùng “tự trị”, tiến tới thành lập “nhà nước độc lập”; tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số ở những khu vực khác hình thành nhiều “điểm nóng xung đột”, tạo cớ để chúng can thiệp, hòng làm mất ổn định chính trị, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Thực hiện âm mưu trên, chúng đã và đang tiến hành nhiều thủ đoạn hoạt động chống phá rất thâm độc và xảo quyệt, vừa công khai, vừa bí mật, cả trực tiếp và gián tiếp, hết sức ráo riết đối với Tây Nguyên. Đó là: (1). Thực hiện chính sách “chia để trị”, đòi thành lập “Nhà nước Đêga” độc lập; (2). Vu cáo, xuyên tạc, bóp méo tình hình dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền ở nước ta, kích động đồng bào chống đối chính quyền; (3). Lợi dụng chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta để tuyên truyền, phát triển đạo trái pháp luật, nhất là đạo “Tin lành Đêga” nhằm “tôn giáo hóa” các vùng dân tộc; (4). Lợi dụng hoạt động từ thiện, nhân đạo, đầu tư phát triển kinh tế xâm nhập vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, xây dựng lực lượng, hỗ trợ, chỉ đạo các hoạt động chống phá, gây mất ổn định, tạo cớ can thiệp; (5). Tuyên truyền, xuyên tạc những vấn đề lịch sử để lại để chia rẽ đồng bào các dân tộc thiểu số với người Kinh; (6). Tìm cách mua chuộc, lôi kéo những người có uy tín trong cộng đồng các tôn giáo, đồng bào các dân tộc thiểu số; cài cắm người vào hệ thống chính trị các cấp của ta để chống phá; (7). Triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, internet và mạng xã hội để liên lạc, chỉ đạo trực tiếp, tuyên truyền, lôi kéo, kích động đồng bào, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh ở Tây Nguyên còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn; hệ thống chính trị cơ sở ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; vấn đề di cư tự do tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững; tư tưởng ly khai tự trị và ngộ nhận về “Nhà nước Đêga” vẫn tồn tại trong một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số và sẵn sàng trỗi dậy khi bị kích động, v.v. Để phòng, chống hiệu quả âm mưu và những thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên địa bàn Tây Nguyên, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là

, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động để mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo hiểu rõ và nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới. Đây là giải pháp cơ bản nhằm đưa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các luật, pháp lệnh, nghị định của Nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo vào cuộc sống. Đồng thời, làm cho nhân dân thấy rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động trong việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo hòng phủ nhận đường lối đổi mới của Đảng, kích động mâu thuẫn giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp, chia rẽ đồng bào các dân tộc và các tôn giáo. Từ đó, tạo cơ sở, niềm tin vững chắc cho đồng bào có đạo yên tâm làm tròn bổn phận “sống tốt đời, đẹp đạo”, “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”; cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên chung sức, đồng lòng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh ở địa phương và tạo sự thống nhất cao trong đấu tranh với hoạt động chống phá của thế lực thù địch, phản động.

Để đạt hiệu quả, cán bộ, đảng viên cần sát dân, tìm hiểu và nắm tâm tư, nguyện vọng của dân; kết hợp giữa tuyên truyền vận động tập trung với phân tán; tăng thời lượng các buổi phát thanh bằng tiếng dân tộc với nội dung đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp thu phù hợp với trình độ của đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, các nhân sĩ trí thức là người dân tộc thiểu số và các chức sắc, chức việc tôn giáo tiến bộ cùng vận động, thuyết phục đồng bào các dân tộc có đạo nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Đồng thời, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; chủ động phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng truyền đạo trái pháp luật, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm phương hại đến an ninh con người và an ninh quốc gia, nhất là đấu tranh ngăn chặn phát triển các tà đạo, từng bước xóa bỏ “Tin lành Đêga”.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum đón Tết cùng đồng bào

Hai là

, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc, tôn giáo. Đây là giải pháp có ý nghĩa nền tảng để vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng những vấn đề khó khăn trong đời sống của đồng bào để chống phá. Các cấp, các ngành cần triển khai có hiệu quả các chủ trương, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ; giải quyết tốt tình trạng tranh chấp đất đai, đẩy nhanh tiến độ giao đất, khoán rừng, tổ chức lại sản xuất cho đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo việc làm ổn định, giúp đồng bào an cư lạc nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh cuộc vận động định canh, định cư, tăng cường cán bộ khuyến nông, khuyến lâm hướng dẫn đồng bào áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi ngành nghề, phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống để đồng bào yên tâm xây dựng cuộc sống lâu dài, nhất là ở các huyện miền núi, biên giới.

Ba là

, tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tích cực nghiên cứu, đề xuất, bổ sung và ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức điều hành, hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng theo hiến chương, điều lệ của giáo hội và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Thường xuyên chủ động, nắm chắc tình hình hoạt động của các tôn giáo, tạo điều kiện cho các chức sắc, chức việc, tín đồ hoạt động tôn giáo theo khuôn khổ pháp luật. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện ở các cấp,  ban, ngành, đoàn thể để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các biểu hiện vi phạm pháp luật trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo. Xây dựng kế hoạch phân công các ban, ngành, đoàn thể bám sát cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề nổi cộm, bức xúc, những vụ việc phát sinh có liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo. Kiên quyết xử lý những đối tượng cầm đầu, tuyên truyền tà đạo, có biện pháp theo dõi, khống chế những đối tượng ngoan cố; tạo điều kiện hoạt động cho những cơ sở tín ngưỡng phù hợp với nguyện vọng tâm linh, truyền thống, bản sắc của đồng bào và đúng với quy định xây dựng đời sống văn hóa, chống hủ tục ở cơ sở, địa bàn; lưu giữ chứng cứ pháp lý để đấu tranh chống địch xuyên tạc, vu cáo ta “đàn áp tôn giáo”. Thực hiện nghiêm Quy chế Dân chủ cơ sở, tôn trọng và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; không làm trái, làm sai gây dư luận bất bình trong nhân dân để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại.

Bốn là

, tiếp tục củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chính quyền cơ sở, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt là người dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo vững mạnh về mọi mặt. Để làm được điều đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ, nhất là ở cấp xã có đủ phẩm chất, năng lực đảm nhiệm chức vụ được giao; thường xuyên bám nắm cơ sở, thực sự sát dân, hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, phát huy sức dân đồng lòng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Đồng thời, tăng cường cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức cho cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, nhất là ở những địa bàn trọng điểm, v.v. Cán bộ công tác ở vùng dân tộc, tôn giáo phải biết tiếng dân tộc, am hiểu phong tục, tập quán, tôn giáo của đồng bào; thực hiện tốt phong cách dân vận “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; không quan liêu, tham nhũng. Quan tâm phát huy vai trò tích cực của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các dân tộc, các chức sắc tôn giáo; đổi mới công tác dân vận ở vùng dân tộc, tôn giáo theo phương châm: chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc; sử dụng nhiều phương pháp phù hợp với đặc thù từng dân tộc, từng tôn giáo.

Năm là

, thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Trong đó, tập trung xây dựng các khu vực phòng thủ “cơ bản, toàn diện, liên hoàn, vững chắc”; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trên địa bàn vững mạnh, thực sự là nòng cốt trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên vùng Tây Nguyên. Cùng với đó, cần chủ động đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gây bạo loạn, ly khai trên địa bàn; triển khai có hiệu quả các biện pháp chống biểu tình, bạo loạn; làm tốt công tác kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh các phương án bảo vệ an ninh ở địa phương, cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, chủ động phòng, chống có hiệu quả các hoạt động tình báo, gián điệp của địch, củng cố trận địa an ninh nhân dân vững mạnh, làm cơ sở, chỗ dựa vững chắc cho đồng bào các dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn gây bạo loạn, ly khai của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị.

Khi có xung đột về lợi ích giữa các dân tộc, giữa các bộ phận trong cộng đồng các dân tộc, cần giải quyết theo tinh thần hòa giải; chống kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Phát hiện kịp thời, đấu tranh vô hiệu hóa các hoạt động truyền bá, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, ly khai, tự trị; xử lý nghiêm các phần tử lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật, kích động chia rẽ các dân tộc, chia rẽ

nhân dân với Đảng, gây mất trật tự xã hội, xâm phạm lợi ích an ninh quốc gia. Chủ động đấu tranh với hoạt động của các thế lực thù địch chỉ đạo, hậu thuẫn số đối tượng bên trong đòi ly khai, tự trị; đấu tranh với các hoạt động quốc tế hóa vấn đề dân tộc và sự can thiệp từ bên ngoài. Cùng với đó, cần phát huy tinh thần yêu nước của đồng bào có đạo và truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của đồng bào các dân tộc thiểu số; phối hợp chặt chẽ các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ, đồng tâm hiệp lực của đồng bào trong cuộc đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên địa bàn. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong hệ thống chính trị phát huy vai trò, luôn sâu sát, nắm chắc tư tưởng của quần chúng, vận động họ tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, nâng cao trách nhiệm công dân trong xây dựng và phát triển Tây Nguyên ngày càng giàu, mạnh.

Thời gian tới, các thế lực thù địch, phản động vẫn ráo riết lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để chống phá, gây mất ổn định chính trị, bạo loạn lật đổ, ly khai đối với Tây Nguyên. Vì thế, chúng ta cần nêu cao cảnh giác, dự báo đầy đủ, chính xác tình hình để kịp thời đề ra chủ trương, giải pháp phòng, chống thiết thực, hiệu quả, nhằm đánh bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên địa bàn.

Trung tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

_____________

1 - Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông (thuộc Quân khu 5) và Lâm Đồng (thuộc Quân khu 7).

Theo tapchiqptd.vn