Đề xuất hợp lý
Trước thực tế nhiều căn hộ tái định cư ở Hà Nội đang bị bỏ hoang, gây lãng phí, trong phiên họp tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội mới đây, đại biểu Quốc hội cho rằng cần có giải pháp đồng bộ, có thể đấu giá hoặc chuyển mục đích sử dụng sang nhà ở xã hội (NOXH) hoặc cho thuê.
Họp bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển NOXH giữa tháng 5, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng nhà ở tại các khu tái định cư chưa sử dụng sang NOXH nhằm thúc đẩy thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH.
Chia sẻ với PV VietNamNet, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng, số lượng nhà tái định cư bỏ hoang, không được sử dụng là vô cùng lãng phí trong khi nhu cầu về nhà ở của người dân lớn; thị trường khan hiếm nguồn cung, giá nhà đẩy lên cao.
Vì vậy, đây là một trong những cung có thể giải "cơn khát" nhà ở cho thị trường.
Trong khi đó, NOXH đang được thúc đẩy nhưng còn nhiều vướng mắc, phát triển chưa tương xứng, số lượng quá ít.
“Việc chuyển đổi hàng chục nghìn căn hộ tái định cư nhiều năm chưa có người sinh sống trở thành NOXH sẽ làm cho thị trường cân đối, ổn định hơn. Đây chính là một mũi tên trúng hai đích, vừa giải quyết nhu cầu nhà ở, vừa tránh lãng phí khi nhà bỏ hoang”, ông Đính nói.
Tuy nhiên, ông Đính lo ngại, thực hiện việc chuyển đổi này sẽ gặp một số vướng mắc. Đơn cử, một số căn hộ nhà tái định cư có diện tích lớn sẽ không phù hợp khi NOXH quy định không vượt quá 70m2. Nhưng ông đánh giá, tỷ lệ căn hộ này không nhiều lắm trong một dự án, có thể linh hoạt cho phép chia nhỏ diện tích căn hộ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đề xuất, nên có quy định nếu trường hợp 12 tháng dự án tái định cư không sử dụng thì cho phép chuyển sang NOXH.
Cân nhắc phương án đấu giá nhà tái định cư lấy tiền làm NOXH
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc EZ Property, nhận xét, đề xuất chuyển nhà tái định cư bỏ hoang thành NOXH rất hợp lý khi giải quyết được vấn đề chỗ ở. "Nhà tái định cư có diện tích khá phù hợp, khi bán những người có thu nhập trung bình mua được”, ông Toản cho hay.
Bên cạnh đó, ông Toản đề xuất, nên cân nhắc phương án đấu giá công khai các dự án nhà tái định cư và dùng nguồn tiền đó để phát triển NOXH. Bởi, tiền thu được từ việc đấu giá sẽ cao hơn nhiều so với bán giá NOXH.
“Khi chuyển đổi từ nhà tái định cư sang NOXH cũng sẽ gặp một số vướng mắc về khung pháp lý, hiện trạng dự án khi nằm ở vị trí trung tâm thành phố sẽ không phù hợp làm NOXH. Nếu đấu giá có thể lên đến 60-70 triệu đồng/m2.
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, phần lớn dự án tái định cư thuộc TP. Hà Nội hay Ban quản lý dự án, chứ không phải của doanh nghiệp như với NOXH. Cho nên, đó là tài sản công; nếu chuyển sang NOXH cần rất nhiều văn bản, thời gian để hợp thức hóa. Chính vì thế, tài sản công mang ra đấu giá là hợp lý nhất”, ông Toản phân tích.
Theo lãnh đạo EZ Property, khi thực hiện các dự án tái định cư đều dùng vốn ngân sách, cụ thể đến từng dự án. Chẳng hạn, dự án ở Đại Cồ Việt (Hà Nội) phục vụ tái định cư để mở rộng đường Đại Cồ Việt, nhưng cả chục năm không làm được. Nếu dùng quỹ nhà đó chuyển sang NOXH thì sau này triển khai dự án làm đường, lấy nhà đâu để đền bù cho người dân tái định cư?
Do vậy, ông Toản lưu ý tùy từng trường hợp cụ thể, dự án nào là dự án treo, không khả thi, đã xây dựng nhà rồi thì có thể thực hiện chuyển đổi sang NOXH; còn với những dự án sắp triển khai, cần giữ quỹ nhà để đền bù cho những trường hợp tái định cư.
Theo số liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tại Hà Nội và TP.HCM, có khoảng 13.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, không người ở. Trong đó, theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, tới giữa năm 2023, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 4.000 căn chung cư bỏ hoang. Nhiều dự án tái định cư có người dân về ở, có diện tích kinh doanh dịch vụ cũng vẫn bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại. Còn tại TP.HCM, có 8.948 căn hộ tái định cư thuộc sở hữu nhà nước hiện chưa bố trí cho người dân. Các căn hộ nằm rải rác ở 85 chung cư/cụm chung cư tại các quận, huyện và TP. Thủ Đức. |