Chiều 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề ‘’Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014 và Nghị quyết số 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông’’.
Câu chuyện có nên giao Bộ GĐ-ĐT biên soạn một bộ SGK từ ngân sách Nhà nước đã thu hút được sự quan tâm thảo luận của nhiều đại biểu.
Phải giảm giá SGK phù hợp với thu nhập của người dân
Theo báo cáo của Đoàn Giám sát, việc Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn được 1 bộ SGK bằng ngân sách Nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn SGK là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Đoàn giám sát và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức cân nhắc việc giao Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung một bộ SGK của Nhà nước và bỏ nội dung này ra khỏi nghị quyết.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng dẫn Nghị quyết 122 năm 2020, khi biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, nếu một môn học đã có ít nhất một bộ sách thì không biên soạn SGK sử dụng ngân sách Nhà nước.
Việc chưa ban hành được bộ sách theo quy định Nghị quyết 88, Quốc hội đã xem xét nguyên nhân, lý do về việc chậm trễ.
"Thay vì đánh giá Bộ GD-ĐT chưa ban hành được, chưa xây dựng bộ sách, nên phân tích hạn chế không có bộ SGK Nhà nước sẽ tạo ra vấn đề gì, cái gì đang vướng mắc", ông Tùng nói.
Ông Tùng bày tỏ đồng tình với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, qua những bất cập nảy sinh trong việc biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, có nhiều cách để giải quyết, không phải chỉ có một giải pháp là biên soạn bộ sách của Nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, Nghị quyết 88 giao nhiệm vụ cho Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK. Đến năm 2020 Quốc hội ban hành Nghị quyết 122 quy định nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ SGK được kiểm định, phê duyệt theo Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, chương trình giáo dục phổ thông mang tính pháp lệnh và chỉ quy định khung kiến thức còn nội dung kiến thức phổ thông đặc biệt quan trọng, thể hiện trong SGK. Vì vậy, trong đề nghị của đoàn giám sát đưa ra một phương án mang tính rất mở là chuẩn bị nội dung của một bộ SGK.
“Theo tôi hiểu, Chính phủ có thể chỉ đạo biên soạn nội dung nếu không có đơn vị nào lo được, hoặc có thể được tặng bản quyền nếu các đơn vị sẵn sàng, hoặc rất nhiều hình thức khác để nắm được nội dung của một bộ sách”, ông Vinh phân tích.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, khuyến nghị của Đoàn giám sát là trên cơ sở Nghị quyết số 88 và cho rằng, thời gian tới các cơ quan cần tiếp tục bàn thảo thấu đáo, nhuần nhuyễn việc này.
Ông Chiến lưu ý, nhất thiết phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu biên soạn, in ấn phát hành và phải giảm giá SGK phù hợp với thu nhập của người dân hiện nay.
SGK không đơn thuần chỉ là "học liệu”
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, có được kết quả như vừa qua chứng tỏ Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 là đúng.
“Cải cách không thể ngày một ngày hai, phải qua quá trình, vừa làm vừa tìm tòi, đổi mới, điều chỉnh, không nóng vội”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông cũng đề nghị cần đánh giá kỹ hơn chủ trương “một chương trình nhiều bộ SGK” trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và thực tế Việt Nam. Mục tiêu cải cách nhằm chuyển trọng tâm từ cung cấp truyền thụ kiến thức sang nâng cao năng lực và phẩm chất của người học được thể hiện thế nào trong nội dung SGK.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, có ý kiến băn khoăn chương trình giáo dục phổ thông chưa có sự thử nghiệm nhưng đã áp dụng đại trà, nên cần cầu thị xem xét điều chỉnh chứ không phải bất biến.
Theo ông Vương Đình Huệ, SGK là thể chế hóa cốt lõi của chương trình giáo dục, dù không thể thay thế được vai trò người thầy nhưng không thể nhận xét “nó chỉ là học liệu” đơn thuần.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 88. Trong quá trình thực hiện, Bộ GD-ĐT thấy cần điều chỉnh phải báo cáo, kiến nghị trình Quốc hội xem xét quyết định theo thẩm quyền.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, tại các cấp học, môn học đã có một số bộ SGK được xã hội hóa. Vì vậy vấn đề này cần có đánh giá cụ thể kết quả thực hiện khi Nghị quyết giám sát được ban hành, từ đó có báo cáo đầy đủ, chính xác hơn.
Phó Thủ tướng khẳng định, Nhà nước phải luôn đóng vai trò chủ đạo, có trách nhiệm từ khâu xây dựng chương trình, thẩm định, lựa chọn SGK theo đúng tinh thần của Nghị quyết 88.
Mặc dù lựa chọn phương án xã hội hóa để thu hút các chuyên gia, nhà giáo dục, các thầy cô giáo tham gia xây dựng các bộ SGK nhưng Bộ GD-ĐT phải có trách nhiệm kiểm soát chất lượng bộ SGK này.
"Trong thời gian tới Chính phủ sẽ nghiêm túc đánh giá toàn diện hơn, đánh giá đầy đủ hơn về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông", Phó Thủ tướng cam kết.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, theo quy định của pháp luật có liên quan, hiện tại SGK không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá. Tuy nhiên, theo luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, SGK sẽ được Nhà nước quy định giá tối đa. Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp, nhà xuất bản tự quy định giá, căn cứ vào đăng ký giá của các nhà xuất bản, tỷ lệ chiết khấu của các nhà xuất bản này có giảm dần theo thời gian. Cụ thể, năm 2022, 2023, tỷ lệ chiết khấu của 2 đơn vị này chỉ ở mức 21 đến 22,5% chi phí. |