Chiều 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông”.

Phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trước khi các đại biểu thảo luận, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn báo cáo giải trình các nội dung được giám sát, trong đó có nội dung về SGK.

Có cần một bộ SGK hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT đang điều chỉnh thông tư 25 về việc chọn sách; đang cải thiện việc kiểm soát quá trình biên soạn, thử nghiệm sách, chất lượng của việc thẩm định sách, việc hướng dẫn giáo viên cũng đã và đang được điều chỉnh dần.

Các hoạt động xuất bản và phát hành SGK của NXB Giáo dục đã và đang được điều chỉnh mạnh trong vài năm trở lại đây, theo hướng tăng chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sách và tăng các biện pháp hỗ trợ học sinh. Đặc biệt là lưu ý giảm giá thành, giảm tỷ lệ chiết khấu, chi phí phát hành…

Chúng tôi chờ đón đợt giám sát này vì chúng tôi hiểu rằng, tự mình truyền thông và giải thích trước xã hội và trước Quốc hội rất nhiều cũng khó bằng sự ghi nhận và lan tỏa một cách khách quan thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội. Chúng tôi tự tin nói như vậy còn vì ngành giáo dục với hơn một triệu nhà giáo đã làm nhiều việc rất thực chất, đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để tạo nên những chuyển biến có thực trong thực tế.   Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn 

Năm 2023, NXB Giáo dục đã tổ chức tặng trên một triệu bản SGK bộ mới cho học sinh các tỉnh vùng khó khăn...

Chính phủ cũng đã giao Bộ GD-ĐT khẩn trương xây dựng thông tư thực hiện việc định giá tối đa SGK để thực hiện khi Luật Giá sửa đổi có hiệu lực năm 2024.

"Riêng với ý kiến của Đoàn giám sát nêu trong nhóm giải pháp về nâng cao năng lực hiệu quả, hiệu quả quản lý Nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông: “nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung một bộ SGK của Nhà nước”… thì chúng tôi một lần nữa đề nghị Đoàn giám sát và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức cân nhắc điều này, cân nhắc bỏ điều này khỏi nội dung Nghị quyết", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Ông cho biết, trong phiên làm việc giữa Đoàn giám sát và Chính phủ cuối tháng 7, Bộ GD-ĐT cũng đã nêu một số ý kiến phân tích và kiến nghị về việc này.

"Dường như vẫn đang còn tồn tại những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của SGK trong hoạt động dạy và học theo chương trình mới. Nhà nước (Bộ GD-ĐT) nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn SGK là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học", Bộ trưởng phân tích.

Bộ trưởng GD-ĐT nhấn mạnh, chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ SGK, tức một bộ học liệu của Nhà nước hay không?

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Ông dẫn chứng thực tế, trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ SGK nào và đặt vấn đề: "Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không?".

Chủ trương là đúng, đường đi là đúng, cách làm đang đúng

Cảm ơn Đoàn giám sát đã rất quan tâm tới một vấn đề nóng của giáo dục để hỗ trợ, nhưng Bộ trưởng cho rằng, cách quan tâm này liệu đã phù hợp với SGK với tư cách tồn tại mới.

"Điều này không phải vấn đề kỹ thuật hay vấn đề quản lý, mà liên quan tới tinh thần cốt lõi của đổi mới. Bộ GD-ĐT đang ra sức hướng dẫn, điều chỉnh, yêu cầu giáo viên thay đổi quan niệm về SGK, thay đổi cách mà giáo viên sử dụng SGK và coi đó là trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thuyết phục.

Theo ông, việc này không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn và phát hành SGK, mà còn hệ trọng hơn, điều này có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới về mặt phương pháp. 

Con tàu cải cách giáo dục của chúng ta đang lao nhanh về phía trước, chỉ có đường tiến không có đường lui. Vì vậy, trong mục tiêu kép, nhiệm vụ kép, đạt được những gì như báo cáo đã ghi nhận, đó là một nỗ lực phi thường của hàng triệu giáo viên và học sinh. Nó là sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành, của 63 tỉnh thành trên cả nước, là sự quan tâm của Quốc hội kịp thời quyết định các chính sách cho giáo dục và đào tạo trong suốt thời gian vừa qua.   Bộ trưởng Ngyễn Kim Sơn

"Nếu lo lắng về an toàn an ninh SGK thì điều này cũng không thành vấn đề, vì NXB Giáo dục, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang nắm bản quyền 2 bộ SGK. SGK cho các lớp 5-9-12 là những bộ sách cuối cùng cũng đã soạn xong và đang thẩm định…" ông Nguyễn Kim Sơn tiếp tục lập luận.

Điều này cũng rất khác với nội dung Nghị quyết số 122/2020 cho phép Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức biên soạn khi không có tổ chức và cá nhân nào biên soạn.

Bộ trưởng GD-ĐT cho hay, hiện nay tất cả môn học còn lại đều đã có một số sách được các tập thể và cá nhân biên soạn. Do đó, việc tổ chức chuẩn bị nội dung một bộ sách không giải quyết được các vấn đề. 

Ông Nguyễn Kim Sơn dẫn lại đánh giá trong phần đầu của báo cáo giám sát có nêu, việc triển khai đã đạt được những kết quả quan trọng đáng ghi nhận, đã tạo chuyển biến tích cực.

"Điều đó chứng tỏ chủ trương là đúng, đường đi là đúng, cách làm đang đúng, đúng về cái lớn cái căn bản. Hiện nay đang giữa chặng đường, những khó khăn, vướng vấp ban đầu là khó tránh khỏi, nhưng nó đang được khắc phục, cải thiện và ngày càng tốt thêm", tư lệnh ngành GD-ĐT khẳng định.

Ông Nguyễn Kim Sơn cho rằng, vấn đề lớn lúc này là tiến hành đổi mới theo chiều sâu, đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá, gia tăng chiều chất lượng của đổi mới, tăng cường các điều kiện cho đổi mới thành công, cố gắng ổn định chính sách cho tới hết chu kỳ đổi mới.

Sau năm 2025 khi có những sản phẩm đầu ra thực sự của chương trình mới rồi tính tới những điều chỉnh chính sách lớn nếu có. 

Đoàn Giám sát lưu ý, Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn được 1 bộ SGK bằng ngân sách Nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn SGK là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước. 

Theo quy định Nghị quyết 88 về biên soạn SGK, chỉ có Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức biên soạn 1 bộ SGK đầy đủ (từ lớp 1 đến lớp 12, gồm 137 đầu sách). 

Các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn SGK (một hoặc một số đầu sách theo khả năng), không nhất thiết phải biên soạn đầy đủ một bộ SGK. 

Việc Bộ GD-ĐT không biên soạn một bộ SGK gây lúng túng cho địa phương, phụ huynh, học sinh trong quá trình lựa chọn SGK. Cử tri tại nhiều địa phương đề nghị thực hiện một bộ sách thống nhất trong phạm vi toàn quốc hoặc một địa phương.

Đoàn giám sát cho hay, theo báo cáo của Ban Dân nguyện, có 36 tỉnh, TP trực thuộc trung ương đề nghị nên có một bộ SGK để sử dụng chung.