Theo Guardian, trong ngày 12/7, Bộ trưởng Sinh thái Pháp Berangere Couillard đã công bố chương trình hỗ trợ người dân sửa quần áo, giày dép. Chương trình này nằm trong lộ trình nhằm cải cách ngành dệt may tại Pháp - một trong những ngành công nghiệp lãng phí và gây ô nhiễm nhất thế giới.

"Kể từ tháng 10, mọi người có thể nhận lại từ 6-25 Euro khi vá quần áo hay sửa chữa giày dép tại các cửa hàng có tham gia chương trình. Mục tiêu của chương trình là khuyến khích các xưởng may và các cửa hàng cung cấp dịch vụ sửa chữa quần áo, tạo ra nhiều việc làm mới. Ngoài ra, chương trình cũng là một nỗ lực để chống lại xu hướng thời trang nhanh", bà Couillard nói.

Cũng theo bà Couillard, số tiền hỗ trợ sửa vá quần áo sẽ được trích từ quỹ 154 triệu Euro mà chính phủ Pháp đã dành ra cho 5 năm tới. 

Tổ chức môi trường Refashion cho biết, có khoảng 700.000 tấn quần áo bị vứt đi mỗi năm ở Pháp, 2/3 trong số này được đưa thẳng tới các bãi rác. Vào năm ngoái, đã có 3,3 tỷ mặt hàng thời trang xuất hiện trên thị trường Pháp. Phần lớn đều không có thời hạn sử dụng dài và tạo ra sự lãng phí rất lớn.

Chương trình hỗ trợ của chính phủ Pháp được kỳ vọng sẽ khuyến khích người dân mang quần áo, giày dép hỏng đi sửa để tiếp tục sử dụng, thay vì bỏ chúng đi và mua đồ mới.

"Đại dịch lười" đeo bám dân Pháp

Một nghiên cứu mới cho thấy, sự lười biếng đang ngăn gần một nửa dân số Pháp rời khỏi nhà. Theo các nhà nghiên cứu, "đại dịch lười" đang ảnh hưởng tới 45% dân số Pháp và đó là hậu quả trực tiếp của việc phong tỏa vì Covid-19.