Trong nhiều nội dung mới đó có nội dung về mở rộng phạm vi.  Đó là không chỉ chống tham nhũng trong cơ quan nhà nước mà cả ở lĩnh vực tư.

Từ lâu dư luận đã lên tiếng về sự móc ngoặc giữa một bộ phận quan chức với tư nhân. Nhiều vụ án thể hiện rất rõ điều này. Cụ thể, những người có thẩm quyền giành những dự án béo bở cho những công ty anh em họ hàng, bà con thân thiết hay cánh hẩu của mình. Vụ án xét xử ông Nguyễn Đức Chung, ông Tất Thành Cang… là điển hình của sự móc ngoặc này.

Có nhiều kiểu tham nhũng tinh vi, kín đáo hơn rất khó phát hiện. Chỉ có thể nhìn vào sự thất thoát tiền của của nhà nước mới đánh giá được. Tham nhũng kiểu này là hình thức phổ biến hiện nay. Một loạt các vụ án chuyển nhượng nhà đất công  sang khu vực tư nhân thời gian qua đã xét xử, đủ thấy nó tinh vi và phức tạp thế nào.

Ông Tất Thành Cang, nguyên Phó bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM từng bị đưa ra xét xử do dính líu tới vụ 'bán rẻ' đất công cho doanh nghiệp

Không một ai nhận tội tham nhũng, không một ai thừa nhận tham nhũng, có khi ra toà còn kêu oan. Nhưng luật pháp ngày một chặt chẽ, quy định ngày một rõ ràng và những con số thất thoát của nhà nước là lời kết tội đanh thép nhất.

Rõ ràng tham nhũng nếu chỉ riêng cán bộ nhà nước thì chưa thực hiện nổi mà vế “bên kia” cũng không kém quan trọng. Vì thế, việc mở rộng đấu tranh chống tham nhũng ra sân sau, chân rết của nó và những đối tượng ngoài khu vực nhà nước là rất cần thiết. 

Không chỉ dư luận xã hội mà ngay cả các cơ quan chức năng đã nêu vấn đề ai đứng sau để các ông Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu? 

Hay vụ Việt Á, một mình Phan Quốc Việt không thể tự tung, tự tác nổi và bàn tay nào đã đạo diễn kịch bản hoàn hảo từ nghiên cứu, công nhận, chuyển giao, đưa ra thị trường hiện đang được làm rõ. 

Chống tham nhũng không chỉ ở phạm vi nhà nước, không chỉ bó hẹp ở lĩnh vực công mà phải mở ra cả lĩnh vực tư. Hiện tượng tiêu biểu nhất minh chứng cho việc này là đa số các đại gia lại giàu lên từ đất. 

Trong Kết luận 12 mà Bộ Chính trị vừa ban hành đã nêu rõ vấn đề này, đó là chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, chuyển nhượng, trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu… Việc không minh bạch trong chuyển nhượng đất đai, trong định giá là kẽ hở cho những sự móc ngoặc. Vì vậy mới có chuyện chạy dự án, chạy để được chỉ định thầu...Chỉ cần một sự "liên kết" như vậy mà nhà nước thất thoát hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ.

Ông Phạm Văn Hòa (ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) khi nói về mở rộng chống tham nhũng theo Kết luận 12 cho rằng,  việc mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước là vấn đề rất quan trọng hiện nay. Tham nhũng, lãng phí không chỉ xảy ra trong hệ thống cơ quan nhà nước. Đối với khu vực ngoài nhà nước, dù chưa có tổng kết, đánh giá cụ thể, nhưng tham nhũng ở khu vực này cũng là vấn đề rất nhức nhối, cần đặc biệt quan tâm, ngăn chặn trong thời gian tới.

Mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng, bịt những lỗ hổng  tạo điều kiện cho móc ngoặc giữa cán bộ có chức có quyền với "sân sau" là đưa công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng sang bước ngoặt mới. Sự công khai minh bạch chính là công cụ, là phương thuốc để phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả nhất.

Nguyễn Đăng Tấn