Chúng ta đang ở trong giai đoạn rực rỡ nhất của dân số vàng với cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động cao nhất trong lịch sử; mỗi năm có thêm một triệu người, hơn một triệu người tham gia vào thị trường lao động.

Với bất kỳ quốc gia nào, nguồn lực con người là quan trọng nhất, Việt Nam cũng vậy. Giai đoạn dân số vàng, nếu tận dụng được, sẽ giúp quốc gia phát triển nhanh nhất.

Trên nền tảng đó, những khát vọng, tầm nhìn phát triển đến thịnh vượng chắc chắn sẽ được hiện thực hóa nếu nguồn lực con người được động viên, giải phóng; mỗi cá nhân được phát huy hết tiềm năng, sức mạnh.

Chúng ta đang ở giai đoạn rực rỡ nhất của dân số vàng. Ảnh: Hoàng Hà 

Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 13 nêu: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc… bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ…

Đó là chủ trương rất đúng và trúng để huy động sức mạnh nội sinh là nguồn lực con người trong phát triển, nhất là khi những nền tảng cho tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên đang dần hết dư địa và thế giới biến động khôn lường.

Mấy năm nay, chúng ta đã nỗ lực chuyển đổi số và đã nhanh chóng thu được kết quả. Các tổ chức bên ngoài đánh giá, Việt Nam có mức độ tiến bộ lớn nhất về tư duy chuyển đổi số ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương và Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng kinh tế số mạnh nhất khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 2022-2025 với lực lượng dân số trẻ, ứng dụng công nghệ phổ biến.

Đó là minh chứng rõ ràng: dù đi sau nhưng chúng ta có thể đi vượt lên trên.

Ở góc độ toàn cầu, nhiều nhà khoa học, nhà toán học, kỹ sư tin học, nhà quản lý, các sinh viên quốc tịch Việt Nam thành công đến như vậy khi họ học tập, làm việc, phát triển ở những môi trường cạnh tranh hàng đầu thế giới.

Nhưng bên cạnh đó, mỗi năm vẫn còn hàng trăm ngàn người Việt Nam ra nước ngoài làm lao động chân tay, đại đa số người lao động Việt Nam vẫn làm trong khâu gia công, lắp ráp ở cuối của chuỗi giá trị, ở khu vực kinh tế không chính thức và ngành nông nghiệp nông nhàn. Đến nay mới chỉ có ¼ lực lượng lao động qua đào tạo.

Năng suất lao động của Việt Nam được cải thiện đáng kể trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, năng suất lao động Việt Nam vẫn ở mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Điều đặc biệt năng suất lao động ngay cả khu vực tư nhân của Việt Nam cũng ở mức rất thấp.

GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 4.163 đô la, gấp 41 lần so với năm 1990, thể hiện những thành quả phát triển rất đáng ghi nhận sau Đổi mới, theo IMF. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn xếp ở mức thấp 117 trên thế giới. Chúng ta vẫn thuộc nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, thua xa mức trung bình của thế giới, nguy cơ mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu.

Cần hành động để biến những chủ trương, chính sách đó vào cuộc sống, để tạo động lực cho mỗi doanh nghiệp, mỗi công dân. Ảnh: Chí Hùng

Chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao và liên tục trong những thập niên tới để hoàn thành nỗ lực trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Với các mục tiêu này, người Việt Nam có khát khao thu hẹp khoảng cách phát triển và bắt kịp với các nước. Vấn đề là không có quốc gia nào đứng đợi chúng ta. Chúng ta đi sau mà muốn đuổi kịp họ thì chỉ có cách duy nhất là phải chạy nhanh hơn mà thôi.

Vì sao các quốc gia Đông Bắc Á cũng có các yếu tố tương tự như chúng ta như con người, tài nguyên, vị trí địa lý, tương đồng văn hóa và thậm chí là hậu quả chiến tranh mà họ phát triển thần kỳ như vậy?

Câu trả lời là cơ cấu kinh tế của chúng ta còn rất lạc hậu. Nền kinh tế vẫn dựa vào kinh tế hộ gia đình là chính (chiếm hơn 30% GDP), trong khi doanh nghiệp tư nhân chính thức không lớn lên được (chiếm 10% GDP). Khu vực kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo nhưng nhiều doanh nghiệp nhà nước đang vật lộn trong khó khăn.

Bên cạnh đó, nền tảng kinh tế thị trường chậm hoàn thiện gây phương hại đến quyền sở hữu tài sản và lòng tin thị trường; thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai, tài nguyên khoáng sản được phân bổ chưa theo cơ chế thị trường.

Nghị quyết Đại hội 13 nêu rõ phương hướng xử lý những nút thắt này.

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Thứ hai, hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. 

Thể chế nào, con người đó. Con người Việt Nam, các nguồn lực của đất nước sẽ được phát huy và sử dụng hiệu quả khi những nút thắt đó được tháo gỡ.

Vấn đề là phải hành động để biến những chủ trương, chính sách đó vào cuộc sống, để tạo động lực cho mỗi doanh nghiệp, mỗi công dân.

Năm 2023 mở ra với nhiều khó khăn nhưng cũng đầy kỳ vọng. Khát vọng, năng lượng và sự thôi thúc của 100 triệu người Việt là động lực lớn hơn bao giờ hết cho phát triển. 

VietNamNet

Sức mạnh từ Nhân dânNăm 2023 đã đến với nhiều háo hức, khát khao của người trẻ, xen lẫn tâm tư của lớp người có tuổi và từng trải về triển vọng kinh tế đầy gam màu trong một thế giới biến động khôn lường.