Theo Insider, vào ngày 24/8/1998, một khinh khí cầu có chiều cao tương đương với tòa nhà 25 tầng đã cất cánh từ Vancoy, Sask, Canada. Đây là một khinh khí cầu khí tượng, được dùng để nghiên cứu tầng ozone. Tuy vậy, một sự cố ngoài ý muốn đã khiến khí cầu bị mất kiểm soát và bay tự do với vận tốc lên tới 100 km/h.

Tiêm kích CF-18 của không quân Canada. Ảnh: RCAF

Khi khinh khí cầu bay qua bang Newfoundland, không quân Canada đã cử 2 tiêm kích CF-18 tới để bắn rơi nó. Tuy vậy, sau khi bắn hơn 1.000 viên đạn, 2 tiêm kích vẫn không thể làm khí cầu ngừng di chuyển. Các viên đạn không làm khí cầu bị nổ, mà chỉ khiến nó bị rò khí heli từ từ.

"Việc bắn hạ khinh khí cầu khó hơn bạn nghĩ, ngay cả khi nó to như một chung cư 25 tầng. Hai chiếc CF-18 có tên lửa không đối không, nhưng chúng tôi quyết định không sử dụng chúng. Thực sự không khôn ngoan khi tốn vài trăm nghìn USD để cố gắng bắn hạ một khí cầu đi lạc", Thiếu tá không quân Canada Roland Lavoie cho biết.

Báo chí Anh nói về việc không quân Canada không thể bắn rơi khinh khí cầu. Ảnh: CBC

Tại thời điểm đó, báo chí Anh đã đăng tải một số vài viết để "trêu chọc" các phi công của Canada. Tuy vậy, khi khí cầu này bay qua không phận của Anh và khiến nhiều chuyến bay phải đổi hướng, không quân của nước này cũng không thể làm gì.

"Không quân Anh cũng cố gắng bắn rơi khinh khí cầu này nhưng bất thành", Thiếu tá không quân Canada Bernard Degagne nói.

Theo thông tin của CBC, không quân Mỹ cũng đã chạm mặt khinh khí cầu này và cố gắng làm nó rơi xuống mặt đất nhưng không thành công. Trong hơn 1 tuần lễ sau đó, khinh khí cầu này tiếp tục bay qua không phận Na Uy và Nga trước khi bị rơi ở Phần Lan.