Nếu lái xe có nồng độ cồn cao gấp nhiều so với mức kịch khung thì kể cả khi chưa gây ra hậu quả, tài xế cũng có thể bị xét phạt tù.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 10/CT-TTg, trong đó có nội dung yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, phối hợp Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu sửa đổi các quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo hướng tăng nặng mức, hình thức xử phạt, nhất là người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn…
Trước chỉ đạo này, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, mức phạt hiện nay đã đủ sức răn đe với người cầm lái.
“Điều cần làm bây giờ là thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, cũng cần nâng mức phạt đối với những người vi phạm nồng độ cồn vượt quá 0,4mg/l khí thở nhưng có thái độ chống đối, phản kháng. Nhóm đối tượng này nên tăng khung hình phạt cao hơn, có thể nâng lên từ 60- 80 triệu đồng.
Đặc biệt, với nhóm người vi phạm nồng độ cồn vượt quá 0,4mg/l khí thở, không còn khả năng kiểm soát hành vi, có nguy cơ gây tai nạn cực lớn cần nâng khung hình phạt cao nhất. Ngoài áp mức phạt 60- 80 triệu đồng thời phải thêm hình phạt lao động công ích kèm theo huỷ giấy phép lái xe”, TS. Khương Kim Tạo đề xuất.
Chính vì nguy cơ gây tai nạn giao thông của nhóm người uống rượu bia không làm chủ được hành vi rất lớn, anh Nguyễn Văn Hải (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng “phải có hình thức phạt tù với những người này để răn đe”.
Đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, tình trạng uống rượu bia lái xe đã giảm rõ rệt sau khi lực lượng này ra quân đo nồng độ cồn.Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp chống đối lực lượng chức năng để trốn kiểm tra nồng độ cồn.
Theo thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, xảy ra 28 vụ, làm bị thương 10 cán bộ CSGT, trong đó một số cán bộ bị thương nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
“Chỉ có phạt thật nặng thì mới không còn tình trạng cố tình vi phạm. Từ đó mới hình thành thói quen chứ không phải chỉ chấp hành khi thấy lực lượng chức năng xử lý”, anh Hải nói.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Lê Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển giao thông vận tải, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết, tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia chiếm tỷ lệ khoảng 36% số vụ.
Trong khi đó, trên thế giới, tỷ lệ này chỉ 11 - 25%. Số liệu thống kê vi phạm nồng độ cồn ở Việt Nam của cơ quan chức năng chỉ chiếm 4 - 5%, trong khi theo nghiên cứu độc lập của WHO, tỷ lệ này chiếm đến gần 40%.
Theo TS. Huyền hiện chúng ta mới chỉ xử lý người lái xe vi phạm nồng độ cồn mức cao bằng cách tước bằng lái 2 năm, sau đó trả lại mà chưa có quy định phạt tù hoặc tịch thu phương tiện.
Do đó, TS Huyền cho rằng cần đa dạng hình thức xử phạt vi phạm nồng độ cồn để tăng tính răn đe. Trong đó, có thể quy định xử phạt với mức trên 0,4 mg/l khí thở thành từng khung như: 0,4 - 0,8 mg/l khí thở; 0,8 - 1,2 mg/l khí thở và trên 1,2mg/l khí thở.
Lý do đưa ra đề xuất này theo TS Huyền nhằm tránh tình trạng cào bằng trong xử phạt. Người uống 1 cốc bia cũng cùng mức phạt với người uống 10 cốc.
“Mức xử phạt cần đa dạng hóa hình thức như: Trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến nếu tái phạm.Và nếu lái xe có nồng độ cồn ở mức cao gấp nhiều so với mức kịch khung thì kể cả khi chưa gây ra hậu quả cũng nên xem xét phạt tù”, TS. Huyền đề xuất.
Phạt tiền từ 30- 40 triệu, tước giấy phép lái xe 22- 24 tháng
Hiện nay, mức phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Theo quy định, người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3, nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở) bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng (với người lái ô tô) đồng thời bị tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.
Tương tự đối với người điều khiển xe máy nếu vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3, nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở) thì sẽ bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 22- 24 tháng.