Các chuyên gia băn khoăn: Người vi phạm giao thông nếu bị phạt lao động công ích sẽ làm gì, làm vào lúc nào; nếu sức khoẻ yếu thì xử lý ra sao và đơn vị nào sẽ quản lý việc này?.
Phạt ai, ai phạt?
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chỉ thị tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới. Theo đó, giao Bộ Công an phối hợp Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu bổ sung các hình thức xử phạt hành chính như bắt buộc lao động công ích, trừ điểm giấy phép lái xe đối với nhóm đối tượng vi phạm giao thông đường bộ.
Ủng hộ chủ trương phạt lao động công ích đối với người vi phạm giao thông, TS. Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, hiện nhiều nước đã áp dụng hình thức xử lý này.
“Nếu áp dụng hình thức này sẽ rất tốt, có ý nghĩa giáo dục cao đối với xã hội, đặc biệt với những người lái xe vi phạm.
Tất nhiên nếu đưa vào thực thi phải quy định rõ vi phạm ở mức nào sẽ bị phạt lao động công ích, nghĩa là phạt ai, ai phạt?. Phải thật rõ về những điểm này”, TS. Nguyễn Văn Thanh nói.
TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, đây là hình phạt bổ sung nhằm hạn chế hành vi vi phạm tiếp theo.
“Hình thức xử lý này cũng là cách tuyên truyền để những người chưa vi phạm nhìn vào rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu áp dụng lao động công ích thì phải có việc cho những người vi phạm làm, đồng thời có bộ phận quản lý.
Với đối tượng vi phạm có độ tuổi, nghề nghiệp khác nhau thì bố trí việc làm nào phù hợp cho tất cả không hề dễ”, TS. Khương Kim Tạo băn khoăn.
Ông cho rằng, nếu áp dụng hình phạt cho tất cả các đối tượng sẽ không khả thi. Thay vào đó, chỉ nên áp dụng với nhóm người có nồng độ cồn trên 0,4mg/1l khí thở kèm thái độ chống đối, bất hợp tác, phản kháng lực lượng chức năng.
“Nhóm này ngoài phạt tiền thì cần giáo dục mức độ cao hơn nên phải kèm thêm hình phạt lao động công ích”, TS. Tạo đề xuất.
Trái ngược quan điểm trên, TS. Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông nhấn mạnh, phạt lao động công ích với người nhiều lần vi phạm giao thông “không hẳn dễ”.
Bởi theo chuyên gia, việc thực thi sẽ đối diện với rất nhiều vấn đề đằng sau, trong đó có việc quản lý, giám sát công tác này trong khi mức phạt hiện đã đủ sức răn đe.
“Lao động công ích, bản chất là buộc người vi phạm phải lao động. Nhưng họ sẽ làm gì, làm vào lúc nào? Nếu người vi phạm sức khoẻ yếu, không kham nổi thì có hình phạt nào thay thế không?”, TS. Phan Lê Bình nêu.
Làm sao để thay đổi thói quen
Thay vì áp dụng những biện pháp xử phạt tăng thêm đối với hành vi vi phạm giao thông, TS. Phan Lê Bình kiến nghị, nên tuyên truyền sâu, rộng hơn nữa.
Trên thực tế, chuyên gia nhận thấy ai cũng biết “uống rượu thì không lái xe” nhưng sau mỗi cuộc nhậu nhiều người vẫn “tặc lưỡi” lên xe. Bằng chứng là lực lượng chức năng vẫn phát hiện tài xế vi phạm nồng độ cồn.
“Lý do là vì chúng ta đã chấp nhận chuyện này trong nhiều chục năm. Hiện nay, người ta chỉ sợ, lấm lét sợ bị bắt sau khi đã uống rượu bia và lái xe. Nhưng mục tiêu của chúng ta, theo tôi là làm sao tuyên truyền để người dân thay đổi được thói quen sinh hoạt. Nghĩa là, đã định trước uống rượu bia thì sẽ không lái xe ra khỏi nhà, dùng phương tiện khác”, TS. Phan Lê Bình lưu ý.
Chú trọng đến các giải pháp phòng ngừa, đặc biệt xử phạt nghiêm, TS Phan Lê Bình dẫn chứng tại Nhật Bản. Khi lực lượng chức năng phát hiện lái xe uống rượu nhưng người ngồi ghế phụ vẫn lên xe thì người này sẽ bị phạt tiền rất nặng.
Đất nước này cũng xử phạt khi phát hiện trong khu vực hành khách ngồi trên ô tô có đồ uống có cồn dù chưa mở nắp. Do đó, nếu người dân có đi siêu thị mua bia, rượu thì những món đồ này phải được để vào cốp xe.
“Nên chăng, chúng ta đưa những đoạn phim, hoạt cảnh quảng bá như vậy lên tivi, radio?. Hay chúng ta có thể tuyên truyền bằng cách dán các áp phích với thông điệp rõ ràng gắn với hành động cụ thể hơn trong các nhà hàng/quán bia”, TS. Phan Lê Bình nhấn mạnh.
Từng được đưa vào dự thảo luật
Năm 2011, khi xây dựng Luật Xử lý vi phạm hành chính, cơ quan soạn thảo là Bộ Tư pháp đã đưa quy định buộc lao động phục vụ cộng đồng vào dự thảo. Theo đó, thời gian buộc lao động phục vụ cộng đồng tối đa đến 30 giờ và không được trả công.
Biện pháp này chỉ áp dụng đối với vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và ATGT (không áp dụng đối với người dưới 15 tuổi, trên 55 tuổi đối với nữ và trên 60 tuổi đối với nam).
Tuy nhiên, khi luật này được Quốc hội (QH) khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012 đã không có quy định này.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật cảnh báo, vẫn còn tình trạng người điều khiển phương tiện đến quán uống rượu, bia rồi lại tự đi về. Thậm chí, bia rượu say sưa vẫn lái ô tô chở 4-5 người về mà không có ai can ngăn.
Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, nếu tài xế có dùng đồ ăn lên men, có thể đề nghị CSGT cho nghỉ ngơi 10 phút, uống nước làm sạch khoang miệng trước khi kiểm tra nồng độ cồn.