Tháng tư năm 2023, 47 kiều bào từ 22 quốc gia trên thế giới và nhiều đại biểu thuộc các cơ quan, đơn vị cùng tề tựu về quân cảng Cam Ranh để tham gia hải trình đặc biệt. Đây là lần thứ 10 Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức đoàn đại biểu kiều bào thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Tại cầu cảng các đảo Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Tây B, Trường Sa lớn và nhà giàn DK1/16 Phúc Tần - 5 điểm đến trong hành trình, những hàng quân chỉnh tề, nghiêm ngắn chào đón các đại biểu trong không khí thân tình giữa đất liền và đảo xa bằng những cái bắt tay nồng ấm cùng những lời thăm hỏi khiến không gian các đảo và nhà giàn rộn vang tiếng nói cười. Trên những khuôn mặt sạm đen nắng gió của cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên đảo, nhà giàn và trong ánh mắt của những người lần đầu tới thăm Trường Sa, chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc khó tả.

Bảo vệ Trường Sa, chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm là quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam. Trang sử bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa đã được viết không chỉ bằng mồ hôi, công sức mà bằng cả máu; bằng sự can trường, dũng cảm, sự hy sinh cao cả vì Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa.

Ngày thứ 3 trong hải trình lần thứ 10 đến với Trường Sa của đoàn Kiều bào, tại khu vực cụm đảo Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin (Gạc Ma đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép trong ngày bi tráng 14/3/1988), Lễ tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để bảo vệ tấc đảo, sải biển chủ quyền trong chiến dịch CQ-1988 khiến mọi người thổn thức về lòng tự tôn dân tộc và nghiêng mình trước sự quả cảm của những người lính quên thân mình vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Đảo Trường Sa lớn được coi là “thủ đô” của Quần đảo Trường Sa với diện tích lớn và cơ sở hạ tầng tốt nhất trong các đảo. Trên đảo có thị trấn Trường Sa thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, được thành lập trên cơ sở đảo Trường Sa lớn và các đảo, đá, bãi phụ cận. Tại đây có đầy đủ các cơ quan chính quyền, quân đội, cơ sở giáo dục, trạm khí tượng hải văn, trạm y tế, nhà tưởng niệm Bác Hồ, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, chùa Trường Sa… được xây dựng, phục dựng phục vụ cho đời sống của người dân trên đảo.

Thời khắc chia tay tiễn các đoàn công tác ở quần đảo Trường Sa luôn để lại những cảm xúc rưng rưng cao độ. Khi kíp điều khiển tàu 571 kéo những hồi còi báo hiệu rời cảng, không ai bảo ai, tất cả đại biểu đều ùa ra sát lan can tàu cùng hô vang: Cả nước vì Trường Sa! Lập tức, hai hàng quân dân cũng hô vang đáp lời: Trường Sa vì Tổ quốc! Cứ thế, những tiếng tiếng hô vang động khắp cầu cảng nối nhau không ngừng cùng những cánh tay vẫy mải miết cho tới khi những người trên đảo và trên tàu đều mờ dần khỏi tầm mắt…

Tới thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 - những cột mốc khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông và thềm lục địa phía Nam, các đại biểu tham gia đoàn công tác số 4 năm 2023 và những người lính Hải quân can trường đã cùng cất cao tiếng hát giữa biển trời bao la.

Tất cả cùng gắn kết với nhau trong nhịp đập trái tim yêu thương dành cho những người ở tuyến đầu gian khó. Tại không gian rộng rãi ở Trường Sa lớn và Sinh Tồn Đông hay không gian nhỏ ở đảo chìm Len Đao, Đá Tây B  và nhà giàn DK1/16 Phúc Tần , các chương trình giao lưu văn nghệ luôn khiến quân dân và các đại biểu “cháy” hết mình trong những giai điệu hào hùng và sâu lắng về biển đảo.

Mỗi tháng tư về, nhiều con tàu Hải quân lại rẽ sóng hướng về quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Trong số đó có chuyến tàu đặc biệt, chuyến tàu đánh dấu lần thứ 10 tổ chức đưa đoàn đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài và đại biểu các cơ quan, đơn vị tới thăm quân dân nơi đầu sóng ngọn gió đang ngày đêm canh giữ, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.