Với chủ đề “Tổ quốc niềm tin và khát vọng”, năm 2023, lần thứ 10 Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức đoàn kiều bào thăm Trường Sa.

Trong 10 hải trình đưa kiều bào ở xa Tổ quốc về với biển đảo quê hương, không ít người Việt trẻ đã trở về và được đặt chân lên Trường Sa. Để rồi, chính nơi này đã khơi dậy trong họ tình yêu quê hương mãnh liệt, khát khao cống hiến cho dân tộc Việt Nam. Những trái tim tràn đầy nhiệt huyết của những người Việt trẻ, dù ở bất cứ nơi đâu luôn hướng về, hòa cùng nhịp sóng Trường Sa.

Là một trong hai người trẻ tuổi nhất của đoàn kiều bào, Lê Tú Mỹ Liên (sinh năm 1993), đã có 12 năm sinh sống và học tập tại Mỹ lần đầu tiên đến với Trường Sa. Mang theo tâm trạng vô cùng hồi hộp, lo lắng nhưng cũng vô cùng háo hức, Mỹ Liên cảm thấy may mắn khi có cơ hội được đặt chân đến vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trải qua những ngày trên tàu, được thăm 4 điểm đảo và Nhà giàn DK1, Liên ngỡ ngàng trước sự đẹp giàu của biển đảo quê hương; càng thêm cảm phục trước những hy sinh, gian khổ, tinh thần quả cảm của quân và dân trên quần đảo Trường Sa.

Cùng chung niềm vui với Mỹ Liên khi lần đầu tiên được tham gia hải trình Trường Sa, anh Nguyễn Anh Tú (sinh năm 1987), hiện là lập trình viên cho một tập đoàn toàn cầu, có 23 năm sống ở Hungary cho biết, việc tham gia chuyến thăm Trường Sa cùng đoàn kiều bào là một điều may mắn đối với anh. Với mục đích muốn tìm hiểu càng nhiều thông tin về biển đảo, về Trường Sa, anh Tú mang tâm trạng hồi hộp nhưng không kém háo hức khi tham gia hải trình.

Cũng là một người trẻ tham gia chuyến hải trình lần này, anh Vũ Trọng Thư (sinh năm 1982), có hơn 7 năm sống tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), đang làm việc tại Đại học Khalifa, thành phố Abu Dhabi. Trong quá trình tiếp xúc với cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa, anh A Thư được biết tình trạng máy lọc nước ở ngoài đảo Trường Sa chỉ dùng được một thời gian ngắn; nguyên nhân do màng lọc bị đóng cặn không sử dụng được. Do đó, sau khi trở lại UAE, anh Vũ Trọng Thư sẽ kết nối với một số bạn bè, đồng nghiệp, kỹ sư để tìm giải pháp nghiên cứu tìm cách xử lý phù hợp màng lọc nước biển đã bị đóng cặn không sử dụng được. Đây sẽ là cách làm cụ thể, thiết thực, thể hiện tình yêu của một nhà khoa học trẻ người Việt đóng góp cho biển đảo quê hương.

Những người Việt trẻ như Mỹ Liên, Anh Tú, Trọng Thư... trong những hải trình kiều bào thăm Trường Sa đều mang theo sự háo hức được trải nghiệm một hải trình lớn trong đời người - hải trình đến với Trường Sa. Những gì họ mang về đó là tình yêu quê hương, đất nước được nhân lên gấp bội; là niềm tin vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nhưng hết thảy, đó là khát khao cháy bỏng được cống hiến cho quê hương bằng sức trẻ của những người con đất Việt, dù ở bất cứ nơi đâu đều hướng về cội nguồn dân tộc.

Hải trình lần thứ 10 năm 2023 đưa kiều bào đến với Trường Sa là dấu mốc của một hành trình lịch sử, nơi bà con đã cảm nhận được rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong chính sách đối ngoại nói chung, trong sự nghiệp bảo vệ biển đảo Tổ quốc nói riêng.

Trong những năm vừa qua, bà con kiều bào khắp nơi trên thế giới luôn là những sứ giả của Trường Sa. Họ đã chủ động đưa thông tin, hình ảnh của Trường Sa ra với thế giới thông qua nhiều kênh truyền thông để bạn bè quốc tế biết về Trường Sa và thêm hiểu công cuộc gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Việc tổ chức các đoàn công tác thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 đã góp phần tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo thiêng liêng. Đây cũng là dịp kiều bào từ nhiều nơi trên thế giới gặp gỡ, giao lưu, gắn kết kiều bào với nhân dân trong nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và hòa hợp dân tộc.