Trao đổi với phóng viên VietNamNet, Tiến sĩ Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, việc Hà Nội triển khai việc bốc thăm cán bộ để xác minh tính trung thực là đảm bảo sự công bằng. Đồng thời làm cho người thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập phải luôn có ý thức thực hiện cho đúng quy định.

Việc TP Hà Nội triển khai kế hoạch, trong đó có việc bốc thăm ngẫu nhiên với cán bộ để xác minh tính trung thực khi kê khai tài sản, thu nhập, điều đó có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

TP Hà Nội triển khai kế hoạch bốc thăm ngẫu nhiên với cán bộ để xác minh tính trung thực trong kê khai tài sản là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong các quy định có nhiều hình thức để xác minh tính trung thực của cán bộ trong kê khai tài sản như xác minh theo đơn tố cáo, phản ánh hay xác minh do yêu cầu của công tác cán bộ.

Còn kế hoạch của Hà Nội, là xác minh ngẫu nhiên, được thực hiện hàng năm, theo một tỷ lệ nhất định. Điều này đảm bảo sự công bằng, đồng thời làm cho người thuộc diện kê khai tài sản phải luôn có ý thức về việc kê khai sao cho đúng. Bởi vì việc xác minh ngẫu nhiên như vậy thì có thể rơi vào bất cứ ai, bất cứ thời điểm nào. Thậm chí người nào có ý định che giấu dù có khôn khéo đến đâu thì vẫn có thể bị xác minh.

Tiến sĩ Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ (Ảnh: Thu Hằng).

Theo ông, với kế hoạch này, nên triển khai như thế nào cho hiệu quả?

Trong Nghị định 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn có quy định lập kế hoạch, sau đó tiến hành thẩm tra ngẫu nhiên, nhưng vẫn phải theo định hướng. Hàng năm, Thanh tra Chính phủ căn cứ vào từng lĩnh vực nhạy cảm để lựa chọn, xác minh tính trung thực của cán bộ khi kê khai tài sản.

Ví dụ như ở Hà Nội hàng năm sẽ phải lựa chọn 20% số sở ngành, quận huyện thuộc thẩm quyền của Thanh tra TP để xác minh tính trung thực của cán bộ trong kê khai tài sản, thu nhập. Do thời gian của năm nay không còn nhiều, nên TP Hà Nội có thể lựa chọn 10% số sở ngành, quận huyện để thực hiện kế hoạch. Trong từng đơn vị, TP Hà Nội sẽ lựa chọn 10% cán bộ để xác minh.

Sau khi chọn được cán bộ cần xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan chức năng sẽ lập tổ kiểm tra. Tiếp đó, tổ này sẽ thẩm tra, xác minh, kết luận cán bộ đó có trung thực trong quá trình kê khai tài sản, thu nhập hay không.

Nếu xác minh được cán bộ kê khai tài sản không trung thực, TP Hà Nội sẽ xử lý nhưng thế nào, thưa ông?

Nếu xác định được cán bộ kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, tùy từng mức độ có thể bị cảnh cáo hoặc bị kỷ luật theo các hình thức của Luật Cán bộ, công chức, thậm chí nếu là lãnh đạo còn bị mất chức, giáng chức.

Cũng đã có ý kiến, trong thực hiện kê khai tài sản, thu nhập, cần tập trung vào tính trung thực của cán bộ, công chức, ông nghĩ sao?

Thực tế tính trung thực của cán bộ, công chức luôn được nhắc đến trước mỗi kỳ kê khai tài sản. Vì nếu cán bộ, công chức thuộc diện kê khai mà thực hiện không trung thực thì sẽ bị xử lý.

Các quy định trong Nghị định 130 là biện pháp phòng ngừa, nên nó có tính nhắc nhở sự trung thực của cán bộ, công chức nhiều hơn việc xử lý. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng phải xác định rõ, nếu phát hiện cán bộ không trung thực thì phải xử lý.

Được biết đây là lần đầu TP Hà Nội cũng như các tỉnh thành, Bộ ngành triển khai việc bốc thăm ngẫu nhiên để kiểm tra tính trung thực của cán bộ kê khai tàn sản. Ông kỳ vọng như thế nào về việc cán bộ, công chức sẽ kê khai tài sản một cách trung thực, không "lách" để che giấu tài sản?

Nghị định 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn "ra đời" từ năm 2020 đến nay, các cấp ngành đang triển khai quy định một cách nghiêm túc. Khi mọi cơ quan triển khai quy định một cách nghiêm túc, việc kê khai tài sản của cán bộ sẽ đi vào nề nếp. Còn các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ nâng cao kỹ năng, hiệu quả trong quá trình xác minh.

Nếu làm được như vậy, đương nhiên sẽ tạo ra nhận thức của người có nghĩa vụ kê khai. Họ sẽ cố gắng kê khai một cách trung thực nhất để không bị xử lý.

Xin cảm ơn ông!