Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), Bộ Tư pháp đã kiểm tra Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT ngày 31/12/2021 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Công văn số 3033 có nội dung đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cả nước yêu cầu các cơ sở đào tạo đang hoạt động theo mô hình là trung tâm đào tạo nghề phải đổi tên thành "trung tâm giáo dục nghề nghiệp...".

Theo đó, các "trung tâm đào tạo lái xe" hiện nay sẽ phải đổi thành các "trung tâm giáo dục nghề nghiệp...".

Sau khi nhận được công văn trên, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã kiến nghị đến Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị không đổi tên, tuy nhiên không nhận được hồi âm.

Theo Cục kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp, không có cơ sở pháp lý để yêu cầu những trung tâm giáo dục nghề nghiệp được thành lập trước ngày 10/2/2016 phải đổi tên để bảo đảm tên gọi có cụm từ “giáo dục nghề nghiệp”.

Việc cơ quan nhà nước thành lập hoặc cho phép thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp chưa bảo đảm quy định pháp luật về tên gọi, nhưng lại yêu cầu các trung tâm này phải thực hiện các thủ tục để đổi tên là không có cơ sở pháp lý, đồng thời, không bảo đảm tính hợp lý.

Bộ Tư pháp cho rằng, việc đổi tên 'trung tâm đào tạo lái xe' là trái luật, gây phiền. Ảnh: GTVT

Ngoài ra, việc buộc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp phải thực hiện các thủ tục, nộp hồ sơ, tài liệu để đổi tên có thể dẫn đến những thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và những người đã, đang tham gia đào tạo.

Theo Cục kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp, cần có những đánh giá về mục tiêu, hiệu quả quản lý nhà nước trong việc yêu cầu đổi tên;

Đồng thời, đánh giá về những hậu quả, ảnh hưởng của việc yêu cầu đổi tên đối với quyền, lợi ích, hoạt động của các cơ sở này (trong đó có cả tình huống không ít người đã được đào tạo nghề, cấp chứng chỉ trong suốt thời gian qua bởi các trung tâm có tên gọi không chứa đựng cụm từ “giáo dục nghề nghiệp” như yêu cầu tại Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT).

Và việc quản lý nhà nước cần được thực hiện bảo đảm quản lý thực chất, hiệu quả, đồng thời, không gây ảnh hưởng đến hoạt động, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các cơ sở đã được thành lập hợp pháp, nhất là trong bối cảnh các chủ thể của nền kinh tế chịu sự tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 thời gian qua.

Cục kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư Pháp cho rằng, nhìn từ góc độ thực tiễn, việc đổi tên thuần túy không mang lại giá trị trong hoạt động của các trung tâm dạy nghề, cũng như trong công tác quản lý nhà nước.

Trong khi đó, yêu cầu tất cả các trung tâm dạy nghề đã được thành lập và hoạt động hợp pháp phải đổi tên dẫn đến những thủ tục phiền hà (trong nhiều tình huống gây khó khăn, bất khả thi cho các tổ chức, doanh nghiệp), phát sinh nhiều chi phí xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương xử lý các nội dung trái pháp luật và thông báo kết quả xử lý văn bản cho Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp.