Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, Hiệp hội vừa có văn bản đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của Bộ LĐ-TB&XH về việc xem xét không yêu cầu đổi tên các “Trung tâm đào tạo lái xe" thành Trung tâm GDNN.
Ông Quyền cho rằng, các quy định của pháp luật hiện hành không có điều khoản yêu cầu các cơ sở đào tạo đang hoạt động theo mô hình là các trung tâm đào tạo nghề (trong đó có đào tạo lái xe) phải đổi tên thành Trung tâm GDNN. Thực tế, trong quá trình hoạt động vừa qua cũng không có vướng mắc gì liên quan đến việc đặt tên gọi đang được sử dụng phổ biến.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, tên gọi ngoài đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật thì đồng thời phải ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, phù hợp với phong tục tập quán của mỗi địa phương, vùng miền và gắn với ngành nghề đào tạo.
Cách đặt tên như trên cũng đã phân định rõ theo quy mô và trình độ đào tạo là “trường cao đẳng…”, “trường trung cấp” và “trung tâm…” theo quy định của pháp luật. Còn đào tạo ngành nghề gì, quy mô, lưu lượng bao nhiêu... được ghi cụ thể trong giấy phép hoạt động do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng nói thêm, việc đổi tên mỗi cơ sở đào tạo đều phải triển khai thực hiện nhiều giao dịch dân sự như vay vốn ngân hàng, bảo hiểm các loại, giấy kiểm định xe, thủ tục sang nhượng hoặc mua bán tài sản; phiên hiệu cơ sở đào tạo được in trên các xe tập lái.
Nếu thay đổi, hàng trăm trung tâm đào tạo lái xe, hàng chục nghìn xe phải chuyển đổi tên trong đăng ký sở hữu trên cả nước sẽ phải bỏ ra chi phí, thời gian để điều chỉnh…
Ông Quyền thông tin thêm, với đặc thù của lĩnh vực đào tạo lái xe, người học có thể là học nghề để trở thành tài xế chuyên nghiệp, cũng có thể là học để lái xe phục vụ sinh hoạt gia đình…
Đối tượng người học cũng rất đa dạng về độ tuổi, trình độ, nếu đổi tên từ “trung tâm đào tạo lái xe” thành “trung tâm GDNN” có phần khiên cưỡng và phản cảm.
Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, việc đổi tên công tác quản lý nhà nước sẽ không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, sẽ ảnh hưởng lớn đến các Trung tâm đào tạo lái xe khi phải làm thủ tục đổi tên tài sản, đất đai, phương tiện… phát sinh thêm các thủ tục hành chính và tốn thêm chi phí không cần thiết.
Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Hội đồng thành viên Trung tâm đào tạo lái xe Đông Đô cho biết, nếu bắt buộc phải đổi tên thành Trung tâm GDNN thì doanh nghiệp phải thay hết giấy tờ, logo… Chỉ riêng với vài trăm xe hiện có, đơn vị cũng phải đổi đăng kiểm làm mất thêm nhiều thời gian và tốn kém thêm chi phí.
“Tên Trung tâm đào tạo lái xe tồn tại bao nhiêu năm nay có ảnh hưởng gì đâu. Ngay như các trường cao đẳng cũng có trung tâm đào tạo lái xe thì tên vẫn là trường cao đẳng cũng không ảnh hưởng gì. Các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét kỹ việc thay tên để không gây khó cho doanh nghiệp’, ông Toản kiến nghị.
Trước thực tế này, báo cáo Bộ LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh Bến Tre, Hậu Giang cũng đề xuất cho phép các cơ sở đào tạo lĩnh vực lái xe ô tô được giữ nguyên tên theo tên trong quyết định cho phép thành lập nhằm giúp đơn vị ổn định hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, việc đổi tên thành Trung tâm GDNN là theo quy định của pháp luật. Vụ Pháp chế thanh tra (Bộ LĐ-TB&XH) sẽ có văn bản gửi Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam về việc này.
Việc đổi tên trên là thực hiện theo khoản 1 Điều 5 Luật GDNN. Trong đó, quy định cơ sở GDNN bao gồm: Trung tâm GDNN, trường trung cấp, trường cao đẳng. Chiếu theo quy định này sẽ không có “trung tâm đào tạo lái xe” tồn tại.
Đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, sẽ có văn bản gửi Bộ Tư pháp về việc này.