Tại tờ trình Chính phủ dự thảo Đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, Bộ Công Thương cho hay theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), năng lượng gió ở Việt Nam có tiềm năng lớn nhất trong 4 nước của khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, tương đương công suất 512GW.
Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng là xu thế tất yếu, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải về 0 (Net-zero) vào năm 2050 và các nguồn thủy điện lớn ở nước đã khai thác hết, Bộ Công Thương khẳng định, cần thiết phải thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, trong đó phát triển điện gió ngoài khơi là phù hợp với xu hướng trên thế giới.
Theo Quy hoạch điện VIII, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đến năm 2030 đạt 6GW, định hướng đến năm 2050 đạt từ 70GW đến 91,5GW.
Tuy nhiên, tại dự thảo Đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, Bộ Công Thương nêu rõ, Quy hoạch điện VIII chưa nêu rõ số lượng, công suất và vị trí dự án điện gió ngoài khơi cũng như phương án đấu nối nguồn điện này.
Đến nay, nước ta chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được cấp chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư để thực hiện. Đồng thời, theo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, chỉ mới xác định đến năm 2030 công suất điện gió ngoài khơi khu vực Bắc Bộ là 2,5GW, khu vực Trung Trung Bộ là 0,5GW, Nam Trung Bộ là 2GW và Nam Bộ là 1GW.
Việt Nam chưa có bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác về khảo sát tốc độ gió và tiềm năng gió từng vùng, địa phương cũng như tổng thể toàn quốc; hiện trạng địa hình, độ sâu đáy biển...
Nhiều chuyện gia cũng nhận định, suất đầu tư cho điện gió ngoài khơi là rất lớn, khoảng 2,5-3 tỷ USD/1GW, thời gian thực hiện từ 6-8 năm kể từ lúc bắt đầu khảo sát.
“Do vậy, mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII đạt 6GW vào năm 2030 là rất khó khả thi trong bối cảnh hiện nay", Bộ Công Thương nhận định.
Bộ Công Thương cho rằng, việc xây dựng, ban hành nghị quyết của Quốc hội về thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi có thể sẽ một mặt tạo cơ sở để hoàn thiện quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. Cùng với đó, tạo tiền đề để thực hiện phát triển điện gió; góp phần thực hiện mục tiêu phát triển điện gió trong Quy hoạch điện VIII; góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng.
Việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm, Bộ Công Thương dẫn chứng đã lấy ý kiến của các bộ, ngành, nghiên cứu Nghị quyết 36, Nghị quyết 55 đều không nêu rõ phải thực hiện thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi. Quy định của Luật Điện lực, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư cũng không quy định thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi…
“Thực tế, đến nay Việt Nam chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được đầu tư hoặc thí điểm đầu tư”, Bộ Công Thương nhấn mạnh. Do đó, bộ này đề xuất cần Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi.
Tại dự thảo, Bộ Công Thương đánh giá, việc chọn nhà đầu tư quốc tế thí điểm dự án điện gió ngoài khơi sẽ thiếu khả thi vì hiện còn có những vướng mắc về khung pháp lý. Đồng thời, chưa nên giao tư nhân đầu tư thí điểm trong khi chưa đánh giá hết được các vấn đề về quốc phòng, an ninh, giá, vướng mắc pháp luật.
Do đó, tại dự thảo, bộ cũng đưa ra các phương án giao tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư dự án thí điểm gồm: Phương án 1 giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); phương án 2 giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); phương án 3 giao đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.
Về việc lựa chọn phương áo nào, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục được làm rõ sau khi bộ này nhận được ý kiến góp ý của các bộ, ngành và đơn vị liên quan.