Thí điểm làm điện gió ngoài khơi

Ngày 29/8, Liên danh PTSC - Sembcorp được cấp phép khảo sát biển cho Dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam để xuất khẩu điện sang Singapore. Buổi trao giấy phép diễn ra trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng đại diện lãnh đạo các bộ/ngành hai nước và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã trao quyết định chấp thuận hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển (giấy phép khảo sát) cho Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) - đơn vị thành viên của Petrovietnam.

Đồng thời, đối tác Sembcorp Utilities Pte Ltd (Sembcorp) của PTSC được Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore trao Ý định thư chấp thuận dự án này.

Điện gió ngoài khơi đang được nhiều tập đoàn trông đợi. 

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng chỉ đạo, nghiên cứu thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện triển khai dự án điện gió ngoài khơi.

Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu đưa công suất điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đạt 6.000MW vào năm 2030.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, đánh giá: Các nước có biển trên thế giới đầu tư vào năng lượng tái tạo thường chủ yếu tập trung vào điện gió ngoài khơi, vì điện gió ngoài khơi ưu việt hơn hẳn điện gió trên bờ và điện năng mặt trời do gió ngoài khơi khá ổn định, thời gian sử dụng công suất cực đại khoảng 4.000-4.700 giờ/năm, tương đương hoặc cao hơn thủy điện.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T, với xuất phát điểm là số 0, trong khi mục tiêu đặt ra là 6.000 MW vào năm 2030 và thời gian phát triển một dự án điện gió ngoài khơi đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn, chỉ riêng giai đoạn khảo sát địa vật lý, thủy văn, đo gió,... đã mất vài ba năm. Do đó cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này.

Thời gian đầu tư dài, chính sách cần rõ ràng

Ông Jacques - Etienne MICHEL, Giám đốc đại diện quốc gia của Equinor tại Việt Nam, nhận định, Quy hoạch điện VIII đưa ra các mục tiêu đầy tham vọng cho điện gió ngoài khơi. Các dự án điện gió ngoài khơi thường mất 7-10 năm để phát triển. Để theo kịp mục tiêu đề ra cần khẩn trương hoàn thiện kế hoạch thực hiện quy hoạch về: trao khu vực phát triển dự án, vấn đề đấu nối và lưới điện, cơ chế giá, chuỗi cung ứng,...

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiến nghị: Trong khi chờ đợi Luật chung cho tất cả các loại năng lượng tái tạo; Chính phủ xem xét ưu tiên xây dựng hành lang pháp lý riêng cho điện gió ngoài khơi để thực hiện mục tiêu điện gió ngoài khơi đã nêu trong Quy hoạch điện VIII.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chính phủ nên giao Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan xây dựng cơ chế đấu thầu để đầu tư các dự án điện năng lượng tái tạo (điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi). Từ đó, chọn được các nhà thầu có đủ năng lực về vốn - tài chính, đội ngũ kỹ thuật, dẫn tới giảm chi phí, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ các dự án nêu trên.

Các dự án điện gió ngoài khơi cần thời gian đầu tư xây dựng từ 6 đến 8 năm mới hoàn thành, nếu không sớm chọn được dự án và chủ đầu tư, sẽ rất khó thực hiện được quy mô điện gió ngoài khơi đến năm 2030 là 6.000 MW.

Ngoài ra, theo chuyên gia này, cơ chế về hoàn thiện công cụ tài chính đối với các loại phát thải trong ngành điện (ví dụ thuế CO2) là cần thiết để khuyến khích nghiên cứu, áp dụng vào thực tế các loại công nghệ, nhiên liệu sạch, đồng thời tăng tính cạnh tranh công bằng giữa nguồn điện than với nguồn điện khí, vốn có giá nhiên liệu cao hơn, nhưng “sạch hơn”.

Ngọc Tuân và nhóm PV, BTV