Katê là lễ hội dân gian có từ lâu đời và đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Bình Thuận.

Theo những người già kể lại, lễ hội Katê có quá trình hình thành, tồn tại từ rất lâu đời và được duy trì đến ngày nay với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở. Vào dịp lễ hội Katê, không chỉ người Chăm ở Bình Thuận mà người Chăm sinh sống, làm việc ở khắp mọi nơi đều trở về đoàn tụ. Do đó, lễ hội Kate còn là dịp thắt chặt tinh thần đoàn kết, tinh thần hòa hợp để gắn kết các thành viên trong gia đình, trong cộng đồng.

Múa quạt cổ truyền: (Tamia tadik) của đồng bào người Chăm.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa nhưng về cơ bản lễ hội Katê vẫn được gìn giữ, duy trì theo đúng tập tục truyền thống như: Lễ Nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư dưới sự điều hành của các chức sắc tôn giáo, mở cửa tháp chính, tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục, đại lễ cúng mừng Katê tại tháp chính… Phần hội của lễ hội Katê thường diễn ra các hội thi và các trò chơi mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Chăm như thi trưng bày và trang trí lễ vật trên Thôn la; thi làm bánh gừng, giã gạo, đội nước vượt chướng ngại vật…

Với những giá trị và ý nghĩa về lịch sử, văn hóa đặc sắc, tiêu biểu đó, ngày 4/4/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 776/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Katê được tỉnh Bình Thuận phục dựng tại tháp Pô Sah Inư (phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết) từ năm 2005 và trở thành một trong 6 lễ hội tiêu biểu được tỉnh lựa chọn để phát triển du lịch. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của đồng bào Chăm mà lễ hội Katê còn góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh Bình Thuận đến với du khách trong nước và quốc tế.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa, trong đó có văn hóa dân tộc Chăm, được biết, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch triển khai Dự án 6 về bảo tồn, phát huy văn hóa thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hy vọng đây sẽ là nguồn lực mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả công tác này.

Với văn hóa dân tộc Chăm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ cùng với các địa phương trong tỉnh, nơi mà có đồng bào người Chăm theo đạo Bàlamôn sinh sống rà soát, tổ chức lại các ngành nghề truyền thống như làm bánh, dệt thổ cẩm, làm gốm… Từ đó, sẽ hình thành nên một nhóm nghề truyền thống của người Chăm để đưa vào phục vụ tại các điểm du lịch. Đồng thời, sẽ hoàn thiện lại một phần lễ hội Katê để đưa vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu, tại các địa điểm tham quan di tích, khu du lịch phục vụ du khách và nhân dân trong, ngoài tỉnh.

Hồ Văn, Thu Hà, Hoài Thanh