Để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, Lạng Sơn đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong đó có sự huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; lãnh đạo chỉ đạo đi đôi với giám sát, gắn trách nhiệm với nhiệm vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; khơi dậy tinh thần tự giác, tính tự lực, chủ động của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu (ngoài cùng bên trái) thăm vườn na tại huyện Chi Lăng.

Lạng Sơn cũng xác định, kiên định thực hiện phương châm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo “kiên trì, đeo bám, quyết liệt nhưng không nóng vội, buông xuôi, bám sát cơ sở, năng động sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo”.

Bên cạnh đó, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa thiết thực của chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo được sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc...

Lực lượng nòng cốt để thực hiện tốt công tác tuyên truyền là hệ thống tuyên giáo, dân vận các cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ tỉnh đến cơ sở, phát huy vai trò của các cơ quan thông tin truyền thông, làm tốt công tác đối thoại với nhân dân.

Trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, tỉnh Lạng Sơn cũng rất quan tâm đến công tác cán bộ, bởi cán bộ là nhân tố quyết định trong tổ chức thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là cán bộ cấp cơ sở, nơi nào cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát, gương mẫu, tiên phong, nhất là người đứng đầu dám nghĩ, dám làm thì ở đó phong trào xây dựng nông thôn mới nổi bật hơn, rõ nét hơn, kết quả cao hơn.

 Hình ảnh trang trí tranh tường tạo cảnh quan sạch đẹp ở Lạng Sơn.

Một trong những yếu tố quyết định thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới nữa là luôn xác định mục tiêu phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ sở. Việc vận dụng các cơ chế, chính sách trong triển khai thực hiện chương trình phải linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Tỉnh cũng chú trọng trong việc phát huy quyền dân chủ của người dân ở cơ sở, thực hiện trao quyền tự chủ cho người dân và cộng đồng để họ thực sự là chủ thể trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình.

Bài học kinh nghiệm khác là phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao thu nhập cho người dân một cách hiệu quả và bền vững. Đây cũng là mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trong giai đoạn từ nay tới năm 2025, về chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Lạng Sơn xác định phát triển kinh tế - xã hội là trọng tâm cùng với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, ngày một đi vào chiều sâu, thực chất và bền vững.

Tuy vậy, tỉnh sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức cơ bản như: Mức độ đạt của bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao hơn giai đoạn trước; số xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới phần lớn đều có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đòi hỏi nguồn lực đầu tư nhiều hơn; số xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh còn thấp, chưa thực sự bền vững; nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện chương trình nông thôn mới thấp hơn so với giai đoạn trước; nguồn vốn ngân sách tỉnh còn hạn chế chưa tự bảo đảm cân đối; sự huy động hỗ trợ, ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư hạn chế...

Nắm bắt được những khó khăn trên, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Trong đó yếu tố tiên quyết là tinh thần vượt khó vươn lên cùng sự đồng lòng của nhân dân.

Bạt Tuấn, và nhóm PV, BTV